Ngành Ngân hàng giữ vững vị thế đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thăm các gian triển lãm về những sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại trên nền tảng số |
Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã xác định chủ đề năm 2023 là “Năm quốc gia về dữ liệu số”; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), đánh giá cao ngành Ngân hàng đã lựa chọn thông điệp Chuyển đổi số của Ngành năm nay là “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số”.
Tôi thật sự ấn tượng về những thành quả mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong công cuộc chuyển đổi số thời gian qua. Tại các cuộc họp Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, NHNN là một trong các bộ, ngành luôn được biểu dương về những nỗ lực, cố gắng, đạt kết quả đi đầu trong triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao... Minh chứng thuyết phục về những kết quả chuyển đổi số mà ngành Ngân hàng đã đạt được có thể kể như: Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đạt 74,63%; tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%; nhiều chỉ số đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch chuyển đổi số của Ngành,.. Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ ngân hàng có thể được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng; nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được thiết kế phù hợp cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Đặc biệt ngành Ngân hàng đã và đang tích cực triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. NHNN và Bộ Công an vừa ký Kế hoạch phối hợp triển khai
Đề án 06 với 11 đầu việc và35 nhiệm vụ cụ thể, trong đó đặt ra một mục tiêu rất ấn tượng là: Phấn đấu đến tháng 6/2023, hoàn thành xác thực 51 triệu thông tin tín dụng khách hàng. Đây là tài nguyên quý giá giúp ngành Ngân hàng chuyển đổi số thành công. Mục tiêu này sẽ hoàn thành đúng thời hạn nếu NHNN quyết tâm và có cách làm khoa học, phù hợp thực tiễn.
Tuy đã có nhiều thành tựu nhưng công cuộc chuyển đổi số của ngành Ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Yêu cầu của chuyển đổi số đó là cần chuyển đổi cả tư duy, nhận thức và hành động, triển khai rộng khắp nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm thực chất, hiệu quả, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải và đặc biệt, chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn, phục vụ tốt mà không phát sinh thêm thủ tục hành chính phiền hà. Trong thời gian tới, tiếp tục phát huy thành quả đạt được, ngành Ngân hàng cần quyết liệt, thống nhất triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các TCTD để xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của Ngành, trong đó hạt nhân là hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng phải theo kịp và đáp ứng được nhu cầu phát triển của các hệ thống vệ tinh là các TCTD, trung gian thanh toán. Bên cạnh đó, cần có sự kết nối, liên kết giữa các NHTM, trung gian thanh toán với các ngành, lĩnh vực khác, nhất là kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, TTKDTM. Do vậy, NHNN cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu, thiết lập hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thống nhất nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy kết nối liên thông, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp với NHNN thúc đẩy kết nối, trao đổi dữ liệu.
Thứ ba, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng cần được quan tâm chú trọng, có sự cân bằng hợp lý giữa đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ với đầu tư cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin; giữa trải nghiệm, thuận tiện với bảo mật dữ liệu, bảo vệ khách hàng khi giao dịch trên kênh số.
Thứ tư, chú trọng đến công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành, đào tạo lực lượng cán bộ nắm bắt được công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn ngành Ngân hàng, tăng cường kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp, phát huy năng lực, trí tuệ người lao động toàn Ngành để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân, doanh nghiệp, để có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách thuận tiện, an toàn. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số để áp dụng công nghệ mới vào hoạt động ngân hàng.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, mà trực tiếp là đồng chí Thống đốc, Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Ngân hàng, sự đồng lòng, quyết tâm và tinh thần chủ động, sáng tạo của tất cả các đơn vị trong toàn Ngành, với những kết quả đã đạt được, tin tưởng mạnh mẽ rằng, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành quả trong công tác chuyển đổi số, đóng góp quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số của đất nước theo định hướng Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.