Ngành Ngân hàng Hòa Bình: Đẩy mạnh cơ cấu lại để hỗ trợ khách hàng
Các giải pháp tích cực từ hệ thống
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình, ông Bùi Văn Xưởng chia sẻ, nguồn vốn tín dụng của ngành Ngân hàng Hòa Bình đã góp phần quan trọng tạo nguồn nội lực thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế địa phương theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Trong đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã làm tốt vai trò lãnh đạo, quản lý, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng, TCTD phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững. Cũng theo ông Xưởng, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, NHNN Việt Nam, sự nỗ lực cố gắng của các ngân hàng, TCTD, ngành Ngân hàng Hòa Bình đã hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Ngành Ngân hàng tỉnh Hòa Bình tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng phát triển sản xuất kinh doanh |
Tính đến hết năm 2020, vốn huy động tại địa phương tăng trưởng 22,2% so với năm 2019 (cao hơn cùng kỳ 2,5%). Tăng trưởng tín dụng mặc dù đạt 7,2%, song tín dụng ở các lĩnh vực ưu tiên đầu tư luôn được các NHTM đáp ứng đầy đủ, chất lượng tín dụng bảo đảm, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,9%/tổng dư nợ. Các TCTD bám sát chỉ đạo của Chính phủ và của NHNN Việt Nam, chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn nhu cầu tiền mặt, thanh toán của doanh nghiệp và người dân, đảm bảo an toàn tài sản kho quỹ.
Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của NHNN tỉnh, các TCTD trên địa bàn đã miễn giảm chi phí để chia sẻ khó khăn với khách hàng; triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Thông tư số 01 của NHNN Việt Nam, từ Hội sở chính đến khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của từng khách hàng và đảm bảo đúng quy định. Thời gian qua, ngành Ngân hàng Hòa Bình đã miễn giảm 1,064 tỷ đồng tiền lãi của dư nợ gốc 302 tỷ đồng đối với 44 khách hàng. Dư nợ được cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ 1.090 tỷ đồng (chiếm 33,3%/tổng dư nợ bị ảnh hưởng) đối với 825 khách hàng. Doanh số cho vay mới với lãi suất ưu đãi (thấp hơn từ 0,5-2% trước dịch) trị giá 713 tỷ đồng đối với 628 khách hàng.
Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình đã gia hạn nợ 1.359 triệu đồng (chiếm 39,5%/tổng dư nợ bị ảnh hưởng) đối với 37 khách hàng (chiếm 32% khách hàng bị ảnh hưởng); cấp tín dụng 367 triệu đồng để người sử dụng lao động vay vốn với lãi suất 0% trả lương cho người lao động ngừng việc (1 doanh nghiệp, 102 người lao động) theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020, Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường công tác thanh toán mới
NHNN tỉnh thực hiện tốt công tác thanh toán điện tử liên ngân hàng điều chuyển vốn giữa Hội sở chính NHTM, Kho bạc Nhà nước Trung ương với các chi nhánh trên địa bàn tỉnh với doanh số chuyển tiền (đi, đến) trên 18 ngàn tỷ đồng, tăng gần 30%. Tổng số món thanh toán của Kho bạc Nhà nước qua đường trung kế kênh thanh toán điện tử liên ngân hàng tại NHNN tỉnh Hòa Bình là trên 50.000 món, với số tiền trên 6.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, NHNN Chi nhánh Hòa Bình thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động của các máy ATM trên địa bàn. Các NHTM thực hiện tốt công tác thanh toán, luân chuyển vốn cho khách hàng luôn đảm bảo kịp thời, chính xác, an toàn. Triển khai các biện pháp mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn bảo mật trong thanh toán điện tử, đảm bảo chất lượng, an toàn hoạt động ATM, POS; vận hành thông suốt hệ thống thanh toán, đáp ứng nhu cầu thanh toán của các tổ chức và dân cư. Đến hết năm 2020, số máy ATM là 60 máy (tăng 6 máy so năm 2019); số máy POS là 214 máy (tăng 24 máy so năm 2019), số thẻ lũy kế đã phát hành 356.286 thẻ.
Cùng với đó, các NHTM trên địa bàn đã phối hợp, ký hợp tác toàn diện về tiền gửi thanh toán, thanh toán hóa đơn, các dịch vụ gia tăng như Internet Banking, Mobile Banking... với các đơn vị: Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan, Công ty điện lực, Công ty nước sạch. Tuy nhiên đến cuối năm 2020 kết quả thực hiện còn thấp, dịch vụ thanh toán tiền học phí và thanh toán tiền viện phí chưa phát sinh.
NHNN tỉnh cũng xây dựng kế hoạch thu chi tiền mặt, tổ chức tiếp nhận, kiểm đếm và cung ứng đủ nhu cầu tiền mặt cho các TCTD, Kho bạc Nhà nước, đảm bảo lưu thông tiền mặt trên địa bàn thông suốt, an toàn theo cơ cấu loại tiền được NHTW điều chuyển. Các ngân hàng, TCTD trên địa bàn chấp hành các quy định của NHNN về công tác an toàn kho quỹ; cung ứng đầy đủ, đúng quy định nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt cho nền kinh tế, tổng thu tiền mặt qua quỹ nghiệp vụ các NHTM, TCTD 105 ngàn tỷ đồng, tổng chi trên 105 ngàn tỷ đồng; tuyển chọn, phân loại và thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông nộp NHNN tỉnh 161,5 tỷ đồng góp phần làm sạch đẹp nâng cao chất lượng đồng tiền trước khi đưa ra lưu thông.
Tiếp tục các giải pháp hỗ trợ khách hàng
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của khách hàng, NHNN tỉnh Hòa Bình đã thiết lập đường dây nóng, hộp thư điện tử và thành lập Tổ công tác tiếp nhận, xử lý thông tin, kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN. Tổ chức hội nghị với các NHTM, Hiệp hội doanh nghiệp và một số doanh nghiệp thuộc các ngành nghề; cùng với đó làm việc trực tiếp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nghiệp và doanh nghiệp tại một số địa phương để nắm bắt khó khăn, vướng mắc đối với khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giải đáp những vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng và công tác hỗ trợ của các ngân hàng, TCTD cho doanh nghiệp theo quy định của NHNN Việt Nam; trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng, báo cáo kết quả giải quyết với chủ tịch UBND tỉnh.
Theo giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình, thì một trong những khó khăn đối với ngành Ngân hàng Hòa Bình là tỉnh chưa có các dự án lớn để các ngân hàng, TCTD đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ... Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn mới đạt 7,2% so với năm trước, thấp hơn so với Hội sở chính các NHTM giao và so với cả nước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến một số doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, mặt khác quy mô sản xuất của doanh nghiệp còn nhỏ, thiếu bền vững.
Bên cạnh đó, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) chưa nhiều (đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục) do tập quán sử dụng tiền mặt của người dân còn rất phổ biến, tỷ lệ dân cư sinh sống trên địa bàn nông thôn còn cao, thu nhập thấp không ổn định, chủ yếu từ bán sản phẩm nông nghiệp, chưa tiếp xúc nhiều với TTKDTM nên ngại thay đổi phương thức thanh toán. Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sau hơn 3 năm triển khai còn không ít khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, giải quyết. Đây là những khó khăn mà hệ thống Ngân hàng Hòa Bình đang phải đối mặt.
Để góp phần khắc phục những khó khăn này, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19; triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 7/1/2021 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021. Theo đó, NHNN tỉnh sẽ chỉ đạo các TCTD tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tổ chức các buổi làm việc với TCTD để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với các sở, ngành triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh; Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo đúng quy định tại Thông tư 01/2020, Thông tư 03/2021 của Thống đốc NHNN. Kiểm soát chặt chẽ nợ xấu phát sinh mới, phân loại nợ và trích lập đầy đủ dự phòng theo quy định. Tăng cường các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong quá trình thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm nhằm thu hồi tối đa các khoản nợ xấu.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chủ động làm việc với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để đẩy mạnh TTKDTM trong lĩnh vực công trên địa bàn, nhất là lĩnh vực giáo dục, y tế. Tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các đơn vị chấp nhận thanh toán, khách hàng hiểu rõ sử dụng dịch vụ thanh toán an toàn, tuân thủ quy định của pháp luật; nâng cao cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn của tội phạm và biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn trong thanh toán. Xử lý kịp thời khi có rủi ro, gian lận, đảm bảo quyền lợi của các bên trong quá trình hoạt động, phát triển không ngừng...