Ngành Ngân hàng Hòa Bình góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023. Tham dự hội nghị có đồng chí Quách Tất Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; đồng chí Ngô Quang Lợi - Phó Giám đốc điều hành NHNN Chi nhánh tỉnh; các đồng chí lãnh đạo và đại biểu các cơ quan, sở ngành trên địa bàn tỉnh, cùng lãnh đạo và cán bộ chủ chốt NHNN chi nhánh tỉnh; lãnh đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã tham dự hội nghị.
Đồng chí Quách Tất Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị |
Tại hội nghị, bà Vũ Thị Song Nguyệt, Phó giám đốc NHNN tỉnh đã trình bày Báo cáo tổng kết hoạt động ngân hàng năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Theo đó, năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp; trong nước áp lực lạm phát tăng cao và những diễn biến không thuận lợi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường BĐS... đã tác động mạnh đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng.
Song dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, NHNN Việt Nam, sự nỗ lực cố gắng, ngành Ngân hàng tỉnh Hòa Bình đã thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Với sự định hướng, điều hành xuyên suốt, nhất quán và đồng bộ các công cụ, giải pháp điều hành CSTT, ngân hàng của NHNN Việt Nam, hoạt động của toàn ngành đảm bảo tập trung vào mục tiêu: góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; hướng tới tổng thể hài hòa của nền kinh tế; hỗ trợ việc phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các TCTD.
Năm 2022, với vai trò quản lý, định hướng NHNN chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn bám sát chủ trương của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương và chỉ đạo của NHNN Việt Nam, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả; bám sát mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển; kịp thời cung ứng nguồn vốn cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất và cá nhân vay vốn để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong năm qua, NHNN tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn khẩn trương, quyết liệt thực hiện Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31 của Chính phủ. Tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp thúc đẩy triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt. Làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các ngân hàng thương mại để nắm bắt việc thực hiện HTLS, những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh để có biện pháp tháo gỡ, báo cáo NHNN Việt Nam và UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Dưới sự chỉ đạo, điều hành và giám sát của NHNN tỉnh, các chi nhánh ngân hàng, TCTD chấp hành nghiêm túc quy định của NHNN về trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, quy định về trần lãi suất cho vay đối với 5 nhóm đối tượng ưu tiên; giữ ổn định thị trường tiền tệ. Đầu năm 2022, lãi suất ít biến động; tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của thị trường thế giới, trong quý III và quý IV/2022, NHNN Việt Nam đã 02 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành do đó các chi nhánh NHTM, QTDND trên địa bàn điều chỉnh tăng lãi suất huy động và cho vay.
NHNN đã chỉ đạo chi nhánh NHTM, QTDND tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, các khoản chi không cần thiết để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp, người dân.
Đồng chí Ngô Quang Lợi, Phó Giám đốc điều hành NHNN chi nhánh tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị |
Với hệ thống các quan điểm chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của NHNN, cùng sự nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng Hòa Bình, kết quả hoạt động ngân hàng năm 2022 đạt kết quả tích cực. Nguồn vốn huy động và đầu tư tín dụng của các ngân hàng, TCTD tăng trưởng ấn tượng, đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát huy được vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đặc biêt là hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19.
Tính đến cuối năm 2022, tổng nguồn vốn hoạt động của các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đạt 40.448 tỷ đồng, tăng 6.908 tỷ đồng, tương đương 20,6% so với cuối năm 2021; trong đó vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư trên địa bàn đạt 30.198 tỷ đồng, tăng 4.150 tỷ đồng, tương đương 15,9% so với cuối năm 2021. Vốn huy động của các ngân hàng, TCTD tiếp tục tăng trưởng ổn định, huy động tiền gửi tiết kiệm từ dân cư chiếm tỷ trọng 73% trong nguồn vốn huy động.
Tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn đạt 34.351 tỷ đồng, tăng 5.041 tỷ đồng, tăng trưởng 17,2% so với 31/12/2021 và cao hơn mức tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế là 13,2%. Trong đó, dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên khu vực nông nghiệp, nông thôn ước đạt 17.003 tỷ đồng, chiếm trên 51%/tổng dư nợ; cho vay DNNVV 23%/tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng của NHCSXH tỉnh đạt 4.187 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cuối năm 2021. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa phát sinh nợ xấu, đặc biệt đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; nợ xấu nội bảng giảm thấp chỉ còn chiếm 0,46%/tổng dư nợ.
Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các chi nhánh ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã thực hiện tốt các giải pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễm, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ với số tiền miễn giảm trên 54 tỷ đồng tiền lãi của dư nợ gốc 9.922 tỷ đồng đối với 82.411 khách hàng; dư nợ được cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ 2.556 tỷ đồng đối với 2.219 khách hàng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi 5.714 tỷ đồng đối với 1.480 khách hàng. NHCSXH tỉnh gia hạn nợ đối với 72 khách hàng, dư nợ được gia hạn trên 2,1 tỷ đồng; cho vay trên 5,2 tỷ đồng/11 doanh nghiệp (538 người lao động với 1.568 lượt lao động cho vay vốn trả lương ngừng việc theo Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ).
Đối với chương trình hỗ trợ lãi suất (HTLS) 2%, đến cuối năm, doanh số cho vay được 39.946 triệu đồng/11 khách hàng, với số tiền đã HTLS 45,6 triệu đồng (Agribank chi nhánh tỉnh); NHCSXH đã giải ngân các chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đạt 218,4 tỷ đồng/405 tỷ đồng, với 4/5 chương trình.
Song song với đó, ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động nghiệp vụ và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng; triển khai thực hiện tốt Kế hoạch phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2022-2025; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trên địa bàn; góp phần nâng cao chỉ số PCI, DDCI của tỉnh Hòa Bình trong năm 2022.
Các ngân hàng, TCTD tập trung phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, các tiện ích thanh toán trên thiết bị di động như QRCode, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, ví điện tử…; hạ tầng công nghệ thông tin của các NHTM đều đáp ứng yêu cầu giao dịch trực tuyến. Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM khoảng 20%; tăng trưởng qua kênh điện thoại di động khoảng 70%. TTKDTM đối với dịch vụ công được triển khai hiệu quả: tỷ lệ thu ngân sách nhà nước qua ngân hàng ước đạt trên 77%, tỷ lệ thu tiền điện toàn tỉnh đạt 72% (tăng 17,3% so với năm 2021), thu tiền nước đạt 54,4% (tăng 7,2% so với năm 2021)...
Ngoài ra, công tác thanh toán, điều hòa lưu thông tiền mặt và an toàn kho quỹ, thanh tra, giám sát và quản lý các chi nhánh ngân hàng, QTDND, công tác cải cách hành chính, thông tin tuyên truyền... được NHNN Chi nhánh tỉnh ngày càng quan tâm, chú trọng và đạt được hiệu quả ngày một rõ rệt.
Bên cạnh đó, với trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chính trị, ngành Ngân hàng Hòa Bình đã có nhiều nỗ lực đóng góp vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn với số tiền hơn 30.000 triệu đồng.
Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với các lãnh đạo ngân hàng trên địa bàn tại Hội nghị |
Bước vào năm 2023, một năm dự báo nền kinh tế vẫn chịu nhiều áp lực, thách thức từ bên ngoài và những khó khăn nội tại; ngành Ngân hàng tỉnh Hòa Bình tiếp tục đặt mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19. Chỉ tiêu định hướng của ngành Ngân hàng Hòa Bình năm 2023: nguồn vốn huy động tại địa phương tăng từ 16%; dư nợ tín dụng tăng 14% và được điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế của Ngành, của địa phương; giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Tiếp tục triển khai chính sách HTLS 2% qua các NHTM và các chương trình mục tiêu thông qua NHCSXH theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Thực hiện tốt nhiệm vụ của Ngành về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Các ngân hàng, TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, đồng thuận chủ trương giảm lãi suất cho vay của Chính phủ và NHNN Việt Nam để chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp, người dân.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình đã biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của ngành Ngân hàng tỉnh trong cung ứng nguồn lực tín dụng cho phát triển KT-XH, giúp tăng thu NSNN trong bối cảnh nền kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn. Sự điều hành từ phía NHNN tỉnh về chính sách tiền tệ, ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam tới các TCTD, ngân hàng trên địa bàn kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và nhân dân thúc đẩy phát triển SXKD, đặc biệt là những chương trình cho vay ưu đãi người nghèo, đối tượng chính sách... góp phần ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2023 xác định kinh tế chung còn nhiều khó khăn, nguồn vốn tín dụng lãi suất thấp có ý nghĩa rất quan trọng đối với tình hình phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tập trung nhiều nguồn lực đảm bảo các dự án lớn, nhất là những dự án đầu tư công được triển khai đồng bộ trên địa bàn.
Chính vì vậy, thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Ngân hàng tỉnh Hoà Bình cần bám sát các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, phát huy kết quả đạt được, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc điều hành từ phía NHNN tỉnh, sự tích cực trong huy động vốn, cho vay tín dụng của các ngân hàng, TCTD nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, kích thích sản xuất. Đảm bảo an toàn trong lĩnh vực tín dụng, kho quỹ ngân hàng, hạn chế thấp nhất nợ xấu. Đáp ứng tốt nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, hấp dẫn tới các ngành nghề ưu tiên. Phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tìm hiểu, cùng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho các DN trên địa bàn./.