Ngành Ngân hàng Khánh Hoà: Tích cực hỗ trợ phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh
Thực hiện Quyết định số 197/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, thời gian qua, NHNN chi nhánh tỉnh Khánh Hòa tích cực triển khai nhiều giải pháp để kịp thời tháo gỡ những vướn mắc, khó khắn của người dân và doanh nghiệp (DN).
Cơ cấu tín dụng theo ngành kinh tế phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Khánh Hoà. |
Theo ông Đỗ Trọng Thảo, Quyền Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Khánh Hoà, bám sát chỉ đạo, chủ trương, định hướng của Chính phủ, NHNN, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế địa phương để thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tập trung vốn cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân từng bước khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế.
Nhờ đó, tình hình tăng trưởng tín dụng trên địa bàn có nhiều chuyển biển tích cực. Đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn khoảng 123.706 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 9.234 tỷ đồng, tăng 8,07%, so với cùng kỳ tăng 9.621 tỷ đồng, tăng 8,66%. Doanh số cho vay 9 tháng năm 2023 hơn 127.590 tỷ đồng, tăng 8,23% so với cùng kỳ.
Ông Thảo cho rằng, cơ cấu tín dụng theo ngành kinh tế phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Khánh Hoà. Dư nợ cho vay ngành du lịch - dịch vụ - thương mại chiếm 67,2% tổng dư nợ; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 24,35%; nông, lâm, thuỷ sản chiếm 8,45%.
Đối với cho vay các đối tượng ưu tiên, đến nay có dư nợ trên 62.773 tỷ đồng, chiếm 52,02% tổng dư nợ, so với đầu năm tăng 5.534 tỷ đồng với 9,67%.
Đối với công tác triển khai đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025"; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, ông Thảo cho hay, chi nhánh tham mưu UBND tỉnh Khánh Hoà ban hành kế hoạch số 2455/QĐ-UBND để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, Khánh Hoà có 38 chi nhánh TCTD tiếp tục hoạt động kinh doanh ổn định, hiệu quả. Công tác cơ cấu nợ của các chi nhánh TCTD đều thực hiện theo chỉ đạo của hội sở. Đến 31/7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các chi nhánh TCTD (trừ Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Nam Trung Bộ) 2,85%, trong ngưỡng an toàn.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn đối mặt với nhiều thách thức, người dân và DN trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà rất cần sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Để chung tay cùng với chính quyền, ngành Ngân hàng tỉnh Khánh Hoà tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ. Trong đó, NHNN chi nhánh tỉnh Khánh Hoà khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN và người dân phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh.
Các TCTD trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ nhằm giảm bớt áp lực về vốn đối với người dân và DN |
Ông Thảo cho biết, đến 30/9/2023, lãi suất cho vay VND các đối tượng ưu tiên ngắn hạn 4%/năm. Khối NHTM Nhà nước cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, ngắn hạn ở mức 8,5%-9%/năm, trung dài hạn 9,5%-10,5%/năm, khối TMCP cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, ngắn hạn ở mức 9,8%-11%/năm, trung dài hạn 11,5%-12,5%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn 4%-5,7%/năm, trung và dài hạn 6,6%-7%/năm.
“Trong 9 tháng đầu năm 2023, các TCTD điều chỉnh giảm lãi suất cho vay (về mức tối đa 9%) cho 212 lượt khách hàng, với dư nợ 1.356,61 tỷ đồng. Trong đó 186 lượt khách hàng cá nhân với dư nợ 152,87 tỷ đồng. Dư nợ có lãi suất từ 11%/năm trở xuống chiếm tỷ trọng 63%, từ 9%/năm trở xuống chiếm tỷ trọng 35,81%, từ 4% trở xuống chiếm 11,01%. Đây là động thái tích cực của các TCTD trên địa bàn nhằm giảm bớt áp lực vốn đối với DN và người dân” – ông Thảo chia sẻ.
Cùng với đó, các NHTM trên địa bàn tích cực triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 16 khách hàng DN, dư nợ được hỗ trợ lãi suất 404,42 tỷ đồng, doanh số hỗ trợ lãi suất 2.052,74 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ 7,28 tỷ đồng.
Hoạt động cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN được các TCTD tích cực thực hiện. Đến nay, có 159 lượt khách hàng, với 117 cá nhân và 42 DN được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, không bị chuyển sang nhóm nợ xấu; Tổng dư nợ (gốc, lãi) của khách hàng có số dư nợ được cơ cấu 2.877,4 tỷ đồng.
Đối với công tác tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các TCTD trên địa bàn điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ cho 5.636 khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch, với tổng giá trị nợ được cơ cấu hơn 14.004 tỷ đồng. Các TCTD thực hiện miễn, giảm lãi, giảm lãi suất vay vốn đối với khoản vay cũ cho 24.566 lượt khách hàng, số tiền được miễn, giảm 516,15 tỷ đồng. Cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, phục hồi sản suất kinh doanh cho 21 khách hàng DN trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 3.526 lao động, với tổng số tiền 12,06 tỷ đồng.
Ông Thảo khẳng định, với những giải pháp quyết liệt của ngành Ngân hàng tỉnh Khánh Hoà đã góp phần không nhỏ vào việc giảm bớt "gánh nặng" áp lực tài chính đối với người dân và DN. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh; ổn định an sinh xã hội tại địa phương.