Ngành Ngân hàng Phú Thọ tận lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Phú Thọ, ông Phạm Trường Giang cho biết, ngay từ đầu năm, Chi nhánh đã tham mưu với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Nghị quyết số 11/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh Phú Thọ; Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17/1/2023 của NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Phú Thọ, ông Phạm Trường Giang phát biểu tại hội nghị |
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Phú Thọ chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan để tham mưu, đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về việc triển khai kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững; chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng gửi các hiệp hội doanh nghiệp; tổ chức hội nghị trực tuyến “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sản xuất kinh doanh”.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Phú Thọ đã tham mưu với Uỷ ban Nhân dân tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng, các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương tham mưu, đề xuất xử lý các khó khăn, vướng mắc trong các dự án đầu tư mới, dự án kéo dài, chậm tiến độ, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Trong vai trò cơ quan quản lý điều hành chỉ đạo hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Phú Thọ đã bám sát Nghị quyết của Chính phủ, Kế hoạch của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Chị thị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội và chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động xây dựng kế hoạch về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả. Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo gói tín dụng 15.000 tỷ đồng.
Ngành Ngân hàng tỉnh thực hiện tốt công tác Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và thông tin tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao đối với ngành Ngân hàng. Đồng thời, chủ động rà soát, sắp xếp, điều chỉnh màng lưới hoạt động đảm bảo an toàn, phù hợp, hiệu quả hơn, với mục tiêu đáp ứng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tín dụng đến tận các xã, vùng sâu, vùng xa. Đến nay, hệ thống gân hàng tỉnh đã có 23 chi nhánh ngân hàng cấp I (tăng 1 chi nhánh ngân hàng thương mại); 14 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cấp huyện, 141 phòng giao dịch và 225 điểm giao dịch thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; 39 Quỹ tín dụng nhân dân và 16 phòng giao dịch hoạt động tại 77 xã, phường, thị trấn; 01 tổ chức tài chính vi mô; Bảo hiểm Tiền gửi khu vực Tây Bắc bộ, Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam.
Các tổ chức tín dụng triển khai có hiệu quả các chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước |
Những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước tỉnh và hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn cùngsự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương đã phản ánh rõ trong bức tranh hoạt động ngân hàng năm 2023. Tính đến 31/12/2023, tổng nguồn vốn huy động đạt 88.686 tỷ đồng, tăng 11.055 tỷ đồng (tăng 14,2%) so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch năm 2023.
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp nhận và thẩm định trên 91.541 bộ hồ sơ đề nghị vay vốn của khách hàng (không bao gồm khối quỹ tín dụng nhân dân) đủ điều kiện và được giải quyết cho vay là 90.717 bộ, chiếm 99,1%/tổng số bộ hồ sơ đề nghị. 824 bộ, chiếm 0,9%/tổng số bộ hồ sơ đề nghị đã thẩm định nhưng không giải quyết cho vay là do dự án, phương án sản xuất kinh doanh chưa khả thi 304 bộ; do không có khả năng tài chính để đảm bảo trả nợ trong thời gian cam kết 155 bộ; do các nguyên nhân khác 365 bộ.
Tổng dư nợ cho vay đạt 104.536 tỷ đồng, tăng 11.988 tỷ đồng (tăng 13%) so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch năm 2023. Tăng trưởng tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các chương trình kinh tế, dự án trọng điểm của tỉnh, trong đó cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt doanh số trên 39.345 tỷ đồng, số khách hàng còn dư nợ là 240.711 khách hàng với dư nợ 37.089 tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm 2022, chiếm 35,5%/tổng dư nợ trên địa bàn.
Năm 2023 toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn đã giải ngân cho vay 1.762 doanh nghiệp với số tiền trên 47.200 tỷ đồng, dư nợ đạt 45.160 tỷ đồng tăng 14,7% so với năm 2022, chiếm 43,2%/tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 58,7%/tổng dư nợ cho vay doanh nghiêọ; cho vay doanh nghiệp phục vụ xuất nhập khẩu đạt doanh số 31.513 tỷ đồng, tăng 23,66%; cho vay đối với doanh nghiệp tại khu công nghiệp, doanh số đạt 9.445 tỷ đồng tăng 17,58% so với năm 2022.
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã tổ chức 6 Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn; cam kết cho vay trong năm là 5.742 tỷ đồng; tổng doanh số cho vay mới lũy kế từ đầu năm đạt 8.804 tỷ đồng, số doanh nghiệp còn dư nợ là 447 doanh nghiệp với dư nợ đạt 6.613 tỷ đồng, so với cuối năm 2022 tăng 1.303 tỷ đồng (tăng 24,5%); thông qua chương trình kết nối đã cơ cấu lại nợ cho 18 khách hàng, dư nợ 51 tỷ đồng.
Với chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất lũy kế là 1.386 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất là 912 tỷ đồng; số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 12 tỷ đồng. Dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN đạt 629.202 triệu đồng, với 75 khách hàng được cấu lại thời hạn trả nợ.
Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản gói tín dụng 15.000 tỷ đồng theo Văn bản số 5631/NHNN-TD đạt doanh số giải ngân lũy kế từ đầu chương trình 105.456 triệu đồng, với 127 lượt khách hàng được giải ngân; Dư nợ cho vay đạt 81.275 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã triển khai cho vay 18 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt 6.019 tỷ đồng, tăng 681 tỷ đồng (tăng 12,7%) so với năm 2022. Trong đó, cho vay ưu đãi và hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 43/2022/NQ-QH15 đạt tổng dư nợ 607,4 tỷ đồng/8.381 khách hàng, hoàn thành 100% kế hoạch giao, tăng 346 tỷ đồng (tăng 132,4%) so với năm 2022. Cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP từ ngày 01/01/2022 đến thời điểm 31/10/2023 cho trên 58.600 khách hàng với số tiền đã hỗ trợ là 48,7 tỷ đồng.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Phú Thọ Phạm Trường Giang cho biết, năm 2024, Chi nhánh đặt mục tiêu đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn an toàn, hiệu quả và ổn định hệ thống, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội địa phương. Các mục tiêu định lượng cũng đã được đặt ra với tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 10-12%, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 12-14%; nợ xấu dưới 2%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Để hoành thành các mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Phú Thọ sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu và định hướng chỉ đạo, quản lý, điều hành thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng trên địa bàn đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng bám sát kế hoạch kinh doanh, tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh, hố trợ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.