Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp để hỗ trợ DNNVV
DNNVV luôn là nhóm khách hàng ưu tiên của ngân hàng
Doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó khu vực DNNVV chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Đây là nhóm khách hàng mà ngành Ngân hàng dành ưu tiên trong hoạt động cấp tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 35 (năm 2016), Nghị quyết 58 (năm 2023) của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, triển khai Luật hỗ trợ DNNVV và các Nghị định hướng dẫn triển khai Luật hỗ trợ DNNVV, NHNN đã xây dựng các Chương trình hành động của ngành triển khai quyết liệt nhiều giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) |
Qua báo cáo của Hiệp hội DNNVV và theo dõi nắm bắt hoạt động tín dụng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận thấy rằng, bối cảnh hiện nay, người dân và DN đặc biệt là DNNVV đều đang rất khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Đây cũng là khó khăn chung của thế giới không phải riêng Việt Nam. Trước thực tế này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất trăn trở, băn khoăn và chỉ đạo quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong đó có DNNVV.
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi làm việc |
Về phía NHNN, Thống đốc cho biết, NHNN rất quan tâm đối với việc tháo gỡ khó khăn cho DN nói chung, DNNVV nói riêng. Từ khi Covid xảy ra, hệ thống ngân hàng dành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đơn cử, riêng chính sách giảm lãi, miễn lãi, giảm phí trong giai đoạn vừa ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp tổng cộng 60 nghìn tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn từ nguồn lực của các ngân hàng cho thấy hệ thống ngân hàng đồng hành cùng các DN trong đó có DNNVV.
Đối với chính sách lãi suất, trong 6 tháng đầu năm trên thế giới các nước đang thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất tiếp tục tăng, nhưng riêng NHNN đã giảm 4 lần lãi suất điều hành. Đây là nỗ lực lớn của NHNN thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. “Để hạ lãi suất NHNN phải chèo lái và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách để có thể làm sao ổn định không những thị trường tiền tệ mà còn thị trường ngoại hối và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng”, Thống đốc chia sẻ và cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm các ngân hàng đã giảm 1%/năm mặt bằng lãi suất cho vay so với cuối năm 2022. Cũng có ý kiến cho rằng, lãi suất chưa giảm được như kỳ vọng nhưng theo Thống đốc, chính sách tiền tệ luôn có độ trễ, cần có thời gian để thẩm thấu chính sách hạ lãi suất.
Đối với vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhất là DNNVV luôn được NHNN quan tâm thông qua triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, NHNN đã ban hành nhiều Thông tư, văn bản chỉ đạo với các cơ chế đột phá, tạo hành lang pháp lý để TCTD tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng, trong đó phải kể đến chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng trong suốt thời gian có dịch Covid-19. Tháng 4 vừa qua, trước khó khăn về thị trường, xuất khẩu,… NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN tiếp tục chỉ đạo TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ vay đến hạn, thời gian thực hiện từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024. Trong suốt thời gian qua, bên cạnh việc chủ động giảm lãi suất điều hành tạo cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất, NHNN yêu cầu TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, đồng thời xây dựng các chương trình, gói tín dụng phù hợp cho DNNVV. Mặt khác, NHNN chỉ đạo các TCTD tăng cường năng lực thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định, qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.
Theo quy định cho vay, để vay vốn, DN phải có phương án sản xuất kinh doanh khả thi và chứng minh được khả năng trả nợ, sử dụng vốn đúng mục đích. Các DN cung cấp tài liệu để chứng minh là tình hình tài chính có khả năng trả nợ bởi tiền ngân hàng cho vay là của người dân nên phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn… Đây là những tiêu chí chung được quy định tại Luật các TCTD năm 2010. Còn mỗi một khoản vay với mục đích khác nhau hồ sơ chứng minh khác nhau như cho doanh nghiệp vay phục vụ lĩnh vực xuất khẩu hồ sơ khác cho vay BĐS… "Chủ trương của NHNN chỉ đạo các TCTD tiết giảm thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn phải đảm bảo theo quy định. Vì điều kiện cho vay áp dụng theo Luật TCTD nếu muốn thay đổi thì phải sửa luật", Thống đốc chia sẻ.
Không thay đổi quy định cho vay nhưng thời gian qua, NHNN đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn qua việc ban hành Thông tư 02 cho phép các TCTD cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng. “Mặc dù khi làm việc với IMF cũng đã lưu ý đối với NHNN khi ban hành Thông tư 02 nhưng Thủ tướng Chính phủ, NHNN cố gắng tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho DN”, Thống đốc thông tin và cho biết thêm, hiện nay NHNN không có quy định cho vay phải có TSĐB miễn là DN có phương án kinh doanh khả thi chứng minh được dòng tiền khả năng trả nợ. Tỷ lệ cho vay trên giá trị TSĐB cũng hoàn toàn do các TCTD quy định, thoả thuận với khách hàng.
Để tăng cường gắn kết mối quan hệ giữa ngân hàng và DN, NHNN chỉ đạo Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh thường xuyên tổ chức Hội nghị kết nối giữa ngân hàng và DN. NHNN mong muốn tại các Hội nghị trên các DN thẳng thắn trao đổi những vấn đề đang vướng mắc như không vay được vốn ngân hàng nào, vì sao không được vay vốn…
Ngành Ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DNNVV sớm hồi phục |
Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp bằng nhiều giải pháp chính sách
Hiện tại, DNNVV có riêng một Luật hỗ trợ và 5 Nghị định hướng dẫn Luật. Nhưng vấn đề thực thi chính sách rất quan trọng. Về phía ngành Ngân hàng, NHNN đã có giải pháp quy định trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên trong đó có DNNVV và nhiều chính sách khác.
Song, những khó khăn của doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận vốn hiện nay do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Có những nguyên nhân phải được giải quyết từ các cơ quan khác. Do vậy, Thống đốc kiến nghị sớm tổ chức Hội nghị đánh giá tổng thể triển khai Luật hỗ trợ DNVVN để có hướng giải quyết được các vấn đề. “NHNN rất tha thiết có các cuộc họp với các bộ ngành khác để đánh giá, nhận diện thực sự vấn đề khó khăn ở đâu để cùng triển khai tháo gỡ. Tất cả các ngành phải cùng vào cuộc chứ không riêng ngành nào, chính sách nào có thể giải quyết được hết tất cả các vấn đề”, Thống đốc bày tỏ.
Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, Thống đốc cho rằng, bản thân DNNVV cần khắc phục những hạn chế của mình đang gây cản trở trong việc ngân hàng đưa ra quyết định cho vay như giải pháp cải thiện khả năng quản trị tài chính… Bên cạnh sự hỗ trợ, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các Bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp như Bộ Công thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, về phía các doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến chất lượng hàng hoá dịch vụ, chỉ dẫn địa lý, vệ sinh an toàn… Có như vậy mới khuyến khích khách hàng mua hàng, doanh nghiệp tháo gỡ đầu ra sản phẩm. Ngoài ra, các quỹ bảo lãnh tín dụng dụng địa phương tăng cường bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn. Vì hơn hết các địa phương sẽ nắm rõ nhất về hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Thống đốc tin rằng, tín dụng sẽ tăng trưởng cao hơn và DNNVV được hỗ trợ nhiều hơn.
Về phía NHNN, Thống đốc khẳng định, thời gian tới tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, cố gắng tích cực triển khai các giải pháp từ phía Ngành Ngân hàng cũng như phối hợp các bộ ban ngành để hỗ trợ DN hiệu quả.
Đến cuối tháng 6/2023, dư nợ nền kinh tế đạt 12,423 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so 2022. Dư nợ đối với doanh nghiệp khoảng 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,66% so 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế). Dư nợ đối với DNNVV đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế. Hiện nay, hầu hết các TCTD đều tham gia cho vay DNNVV, nhiều TCTD đã chủ động triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng ưu đãi với điều kiện vay vốn và lãi suất thấp hơn so với các sản phẩm tín dụng thông thường. |