Ngành Ngân hàng Thái Bình góp phần thúc đẩy kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội
Trụ sở NHNN chi nhánh tỉnh Thái Bình |
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Thái Bình cho biết, trong năm 2023, Chi nhánh đã triển khai đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách, các văn bản mới của Đảng, Nhà nước, của Ngành và địa phương liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng tới Cấp ủy, chính quyền địa phương, các Sở, ngành liên quan, các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023; hỗ trợ lãi suất cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn...
Đáng chú ý, trong năm qua các TCTD trên địa bàn đã tập trung các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng; ưu tiên vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, cho vay xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đa dạng sản phẩm dịch vụ, đơn giản hóa thủ tục cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và nhân dân.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thái Bình |
Nhờ đó mà hoạt động ngân hàng trên địa bàn đạt được những kết quả tích cực. Đến 31/12/2023, tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt 94.118 tỷ đồng, tăng 9,2% so năm trước; dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 đạt 33.867 tỷ đồng, tăng 4,6% so năm trước, chiếm 36% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn với gần 104 ngàn khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay các chương trình nước sạch nông thôn đạt 1.662 tỷ đồng; dư nợ tín dụng chính sách (cho vay người nghèo, cận nghèo, tín dụng đầu tư...) đạt 6.021 tỷ đồng, chiếm 6,4% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn; tỷ lệ nợ xấu nội bảng chiếm 0,74% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn.
Về hoạt động bảo lãnh doanh nghiệp, các TCTD đã thực hiện cam kết bảo lãnh đối với doanh nghiệp 4.124 món, doanh số cam kết bảo lãnh 5.788 tỷ đồng; số dư cam kết bảo lãnh đến 31/12/2023 đạt 7.918 tỷ đồng, với 2.393 món còn hiệu lực. Thông qua hoạt động bảo lãnh ngân hàng đã giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực tài chính, thuận lợi trong việc triển khai thực hiện các dự án, các thỏa thuận hợp tác đầu tư, tiếp cận các nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, mạng lưới của hệ thống Ngân hàng tiếp tục được phát triển củng cố, gắn liền với chủ trương tái cơ cấu các TCTD. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thái Bình thành lập mới 01 Chi nhánh ngân hàng. Đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ngoài NHNN chi nhánh tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, có 28 chi nhánh ngân hàng, 85 Quỹ tín dụng nhân dân và 01 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô hoạt động.
Các TCTD thành lập 08 chi nhánh cấp huyện và thành phố, 94 phòng giao dịch, 44 Quỹ tín dụng nhân dân mở rộng địa bàn sang 61 xã với 59 phòng giao dịch và 260 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, phường, thị trấn đã đáp ứng nhu cầu dịch vụ, tiện ích ngân hàng cho nền kinh tế và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Với những kết quả trên, đại diện lãnh đạo NHNN chi nhánh tỉnh khẳng định, hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Bình ổn định, hiệu quả; mạng lưới của hệ thống Ngân hàng Thái Bình tiếp tục được phát triển củng cố, gắn liền với chủ trương tái cơ cấu các TCTD; nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tăng trưởng cao; tín dụng tăng trưởng khá; lãi suất tiền gửi và cho vay mới giảm khoảng 2,5%/năm so với cuối năm 2022 hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, tín dụng tập trung chủ yếu cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các chương trình, chính sách tín dụng của Trung ương, của tỉnh.
Bên cạnh đó, hoạt động cho vay xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh; nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp; phát triển các dịch vụ, áp dụng công nghệ hiện đại vào ngân hàng được chú trọng; các ngân hàng đã đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện lợi, mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng; cơ cấu tiền mặt hợp lý trong lưu thông, đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp, người dân... qua đó góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành, duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, kết quả xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh Thái Bình.
Các ngân hàng luôn mang đến những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho khách hàng |
Bước sang năm 2024 với nhiều cơ hội và thách thức, NHNN chi nhánh tỉnh Thái Bình xác định cần thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp Thống đốc NHNN quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng trên địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi đôn đốc và giám sát các TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng của Chính phủ, NHNN;
Theo dõi, giám sát tình hình cấp tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực trên địa bàn, đặc biệt là tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; phối hợp với các Sở, ban, ngành trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; triển khai cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Tăng cường quản lý hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo an toàn hệ thống công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.
Cùng với NHNN chi nhánh tỉnh, các TCTD trên địa bàn cũng bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN, Hội sở chính để thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2024 của đơn vị; tổ chức triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối; triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; nâng cao năng lực quản trị, điều hành; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đảm bảo an ninh, an toàn công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán... và một số nhiệm vụ trọng tâm khác.