Ngành Ngân hàng Tuyên Quang: Nét son trong hành trình phát triển ngành Ngân hàng
Nhắc đến Tuyên Quang là nhắc đến địa danh thân thiết và thiêng liêng, nơi gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước nói chung và của ngành Ngân hàng nói riêng. Chính tại Thủ đô kháng chiến, ngày 06/5/1951, tại lán Hang Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN). Và ngay sau đó, tháng 6/1951, Ngân hàng Quốc gia tỉnh Tuyên Quang chính thức được thành lập.
70 năm qua, Ngân hàng Quốc gia tỉnh Tuyên Quang xưa kia nay là NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã dẫn dắt hệ thống các TCTD khơi mở huyết mạch tín dụng, thanh toán góp phần đưa Tuyên Quang đi lên cùng hành trình phát triển của đất nước và dân tộc. Đồng thời, lưu giữ những di tích lịch sử của Ngành để các thế hệ hôm nay và mai sau gìn giữ phát huy những truyền thống tốt đẹp của cán bộ ngành Ngân hàng dồn tích suốt dặm dài phát triển.
Nhà bia Di tích lịch sử ngành Ngân hàng tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang |
Điểm tựa phát triển kinh tế của tỉnh
Trở về với cột mốc lịch sử hình thành và phát triển của ngành Ngân hàng Tuyên Quang, ông Trịnh Ngọc Tuấn - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh cho biết, trong những năm đầu mới thành lập, Ngân hàng Quốc gia tỉnh Tuyên Quang vừa hoạt động chuyên môn nghiệp vụ theo chỉ đạo của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đồng thời là một cơ quan tham mưu của cấp ủy và chính quyền địa phương về thực thi chính sách tiền tệ, tín dụng của Đảng và Nhà nước ở địa phương.
Sau kháng chiến chống thực dân, miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Ngân hàng Tuyên Quang thực hiện củng cố lưu thông tiền tệ, ổn định giá trị đồng tiền, nâng cao chất lượng tín dụng và các mặt nghiệp vụ khác; đồng thời, vừa tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhiều cán bộ Ngân hàng Tuyên Quang đã tình nguyện đi chiến đấu và phục vụ công tác kinh tài ở chiến trường miền Nam, trong đó có những đồng chí đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Hòa bình lập lại, mở ra một giai đoạn mới trong kiến thiết phát triển đất nước. Ngày 27/12/1975, Quốc hội khóa V đã phê chuẩn hợp nhất tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang thành tỉnh Hà Tuyên. Đến năm 1991, tỉnh Tuyên Quang được tái lập đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của ngành Ngân hàng nói chung và tại Tuyên Quang nói riêng. Cùng với tiến trình đổi mới rồi hội nhập của đất nước, NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã thực sự trở thành cánh tay nối dài của Thống đốc NHNN trên địa bàn triển khai có hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng góp phần vào thành công của sự nghiệp đổi mới kinh tế đất nước nói chung và của tỉnh Tuyên Quang nói riêng.
Từ khởi điểm ban đầu là một Chi nhánh Ngân hàng nhỏ với gần 30 cán bộ và 5 phòng, đội trực thuộc, đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 1.500 cán bộ, nhân viên, với sự hiện diện của 8 ngân hàng, 15 chi nhánh và trên 50 phòng giao dịch, 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có cán bộ, nhân viên ngân hàng trực tiếp phục vụ.
Đến 31/3/2021, tổng nguồn vốn trên địa bàn là 28.848 tỷ đồng, tăng 688 lần so với năm 1991, tổng dư nợ là 19.637 tỷ đồng, tăng gấp 668 lần so với năm 1991 (thời điểm tái lập tỉnh). Đặc biệt, thấu hiểu những khó khăn thách thức của một tỉnh miền núi, NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã tập trung chỉ đạo các TCTD mở rộng huy động, tập trung vốn đầu tư cho các lĩnh vực đột phá của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới với cơ cấu dư nợ chiếm tới 65%. Dòng vốn hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ cũng như mũi nhọn kinh tế của tỉnh, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Đặc biệt những năm gần đây, quan hệ giữa Ngân hàng với Doanh nghiệp chuyển sang cộng sinh, cùng phát triển đã đưa các chính sách tín dụng thẩm thấu sâu hơn vào đời sống mà đỉnh cao của mối quan hệ đó có thể cảm nhận rất rõ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Doanh số cho vay từ đầu năm 2020 đến nay đạt 27.352 tỷ đồng cho trên 50.000 lượt khách hàng vay vốn. Các TCTD đã thực hiện hỗ trợ cho 2.010 khách hàng với số dư nợ 3.578 tỷ đồng, trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc cho 1.062 khách hàng, với số tiền 355 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho 18 khách hàng có dư nợ được miễn, giảm lãi là 96 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn, giảm 250 triệu đồng.
Công tác an sinh xã hội của tỉnh không ngừng được tăng cường, củng cố từ các hoạt động từ thiện, thực hiện xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội hàng năm của các TCTD trên địa bàn. Riêng năm 2020, ngành Ngân hàng Tuyên Quang đã đóng góp hơn 30 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội tại địa phương…
Gìn giữ và viết tiếp những trang sử vàng
Những chứng tích mang tính lịch sử và cội nguồn của ngành Ngân hàng Việt Nam đã được Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN xác định việc bảo tồn từ rất sớm sau khi kết thúc các cuộc kháng chiến cứu nước, bảo vệ biên giới Tổ quốc. Đồng thời, giao trọng trách cho NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang thực hiện xác định địa điểm các di tích của Ngành tại Tuyên Quang, tôn tạo, xây dựng, bảo vệ, phát huy ý nghĩa và giá trị lịch sử của các di tích.
Tuy nhiên, trải qua các cuộc kháng chiến, tác động của tự nhiên và những khó khăn của thời kỳ bao cấp, các tài liệu lịch sử còn lại rất ít, cảnh quan đã đổi thay, việc tìm gặp các nhân chứng lịch sử cũng vô cùng khó khăn. Công việc nhiều lúc tưởng như khó thực hiện, nhưng với sự quyết tâm của Cấp ủy, Ban lãnh đạo Chi nhánh, hàng chục cuộc khảo sát thực địa, nghiên cứu tài liệu lịch sử, lấy ý kiến của nhân chứng, đến năm 2000, Chi nhánh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn thành việc xác định chính xác địa điểm di tích lịch sử của Ngành tại thôn Tân Thành, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (nơi ở và làm việc của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam từ tháng 4/1952 đến khi về tiếp quản Nhà băng Đông Dương tháng 10/1954). Đầu năm 2001, Bia di tích của Ngành đã được xây dựng và khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Ngân hàng (6/5/1951-6/5/2001). Từ đó đến năm 2011, NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích đất di tích của Ngành, đồng thời mở rộng diện tích di tích lên 857m2, tôn tạo, tu sửa Nhà bia di tích hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngân hàng Việt Nam.
Cũng từ năm 2010, Ban lãnh đạo NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang chính thức đặt công tác tôn tạo, phục hồi di tích lịch sử ngành Ngân hàng tại thôn Quang Hải, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa (nơi ở và làm việc của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam từ khi thành lập đến tháng 4/1952) là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Vượt qua các khó khăn vất vả, đến tháng 12/2015, Chi nhánh đã xác định vị trí xây dựng Bia di tích và được thông qua ở vị trí mới nằm trong vùng di tích, kịp thời xây dựng và khánh thành vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Ngành. Ngày 24/3/2016, di tích vinh dự được đón nhận Bằng Di tích cấp tỉnh.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam, một lần nữa NHNN Chi nhánh Tuyên Quang đã đề xuất với Ban cán sự Đảng, Thống đốc NHNN và được chấp thuận việc tiếp tục mở rộng diện tích tôn tạo, xây dựng Di tích Ngân hàng Việt Nam tại thôn Tân Thành, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương xứng đáng với tầm vóc 70 năm thành lập, xây dựng và phát triển của Ngân hàng Việt Nam. Mặc dù đã có kinh nghiệm thực hiện giai đoạn trước, nhưng những khó khăn, trở ngại vẫn thường xuyên xuất hiện khi quy mô di tích được mở rộng từ 857m2 lên đến hơn 14 nghìn m2…
Song với các giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn, quyết tâm thực hiện từ công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đến việc đền bù theo quy định cho các cá nhân, doanh nghiệp, các công trình công cộng khác được di chuyển đến vị trí mới phù hợp; các sở, ngành liên quan đã hoàn thành công tác thẩm định, đảm bảo đúng quy định. Đến ngày 12/01/2018, UBND tỉnh Tuyên Quang đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 14.366m2 tại thôn Tân Thành, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương. NHNN Chi nhánh Tuyên Quang đã thực hiện tốt việc tham mưu, đề xuất với Ban lãnh đạo NHNN, với Công đoàn Ngân hàng Việt Nam về quy hoạch xây dựng, phương án kiến trúc di tích… bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung của cấp có thẩm quyền về quần thể Khu di tích lịch sử cách mạng Tân Trào. Ngày 24/4/2021, công trình “Mở rộng di tích lịch sử ngành Ngân hàng” chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam tại thôn Tân Thành, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương được khánh thành và phục vụ hoạt động tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu của Ngành và nhân dân cả nước.
Những thành tựu của hệ thống Ngân hàng Tuyên Quang 70 năm qua và những năm tới sẽ điểm tô cho những thành quả chói lọi của ngành Ngân hàng trong hành trình phát triển của đất nước. Và càng làm đậm thêm những giá trị lịch sử của Ngành trên mảnh đất Tuyên Quang địa linh, nhân kiệt. Để mỗi khi trở về, lớp lớp các thế hệ cán bộ ngân hàng đầy tự hào về truyền thống vẻ vang cũng như tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ kế tiếp noi theo, tin tưởng, phấn khởi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, viết tiếp những trang sử vàng của Ngân hàng Việt Nam.