Ngành Ngân hàng Tuyên Quang: Tạo sức bật cho phát triển kinh tế
Ngân hàng luôn đồng hành
Người dân huyện Hàm Yên lại vừa có thêm một vụ mùa thắng lợi rực rỡ khi năm vừa qua hàng ngàn ha trồng cam của bà con đều “được mùa, được giá”. Mấy năm trở lại đây, sản lượng cam không ngừng tăng lên trong khi giá cam tiếp tục giữ ổn định ở mức tương đối cao.
Ngành NH Tuyên Quang tích cực tham gia giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh năm 2017 |
Để có được kết quả này, tỉnh Tuyên Quang cũng như huyện Hàm Yên đã có nhiều chính sách phát triển cây cam sành với mục đích chính là làm giàu cho người nông dân. Xác định sẽ đưa cây cam sành trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân huyện Hàm Yên, nên từ năm 2007 tỉnh Tuyên Quang đã tập trung mọi biện pháp để xây dựng thương hiệu cam sành Hàm Yên.
Cùng với sự định hướng và hỗ trợ của tỉnh, người trồng cam ở Hàm Yên ý thức rất rõ giá trị thương hiệu của cây cam và sẵn sàng chuyển đổi hướng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP để cam đạt giá trị cao nhất.
Có chính sách dẫn lối vẫn chưa đủ nếu thiếu nguồn lực để đầu tư. Xác định được điều này, ngành NH tỉnh Tuyên Quang đã nhanh chóng vào cuộc để cấp vốn cho bà con đầu tư trồng cam. Tính đến đầu năm 2017, đã có hơn 5.000 hộ dân vay vốn NH để trồng cam. Và cùng với đồng vốn NH, sau mỗi vụ cam lại xuất hiện thêm không ít tỷ phú giàu lên nhờ nông nghiệp.
Hiệu quả từ cam sành Hàm Yên mang lại không chỉ khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là nông thôn miền núi, mà còn là minh chứng cụ thể cho những nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương và ngành NH trong việc xây dựng thương hiệu.
Ngoài cây cam, tỉnh Tuyên Quang đã đưa nhiều loại nông sản khác từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó đã hình thành và phát triển khá ổn định một số vùng sản xuất hàng hóa như cam, chè, mía, lạc, gỗ nguyên liệu… hay một số sản phẩm sản xuất và chế biến nông sản trên địa bàn.
Để làm được điều này, UBND tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng các đề án, chương trình, chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật… để chuyển dịch cơ cấu từ phát triển theo chiều rộng, lấy số lượng làm mục tiêu sang nâng cao chất lượng và hiệu quả.
“Chính sách đi trước, NH cất bước theo sau”, đó là hướng đi mà ngành NH Tuyên Quang xác định cần bám sát để đầu tư đồng vốn hiệu quả. Dựa vào các lợi thế của tỉnh trong phát triển nông nghiệp, cùng với lực đẩy chính sách, ngành NH đã phối hợp vô cùng nhịp nhàng để ở đâu có nhu cầu đầu tư sản xuất là ở đó đồng vốn đến kịp thời.
Ông Trịnh Ngọc Tuấn, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang cho biết, các NH trên địa bàn đã thường xuyên ưu tiên nguồn vốn để đầu tư cho vay sản xuất kinh doanh đối với nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, đầu tư mua máy móc, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Qua đó góp phần từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng hàng hoá tập trung, đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển ổn định theo hướng sản xuất hàng hoá, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Từ đó, hình thành các mô hình liên kết trong sản xuất kinh doanh với tiêu thụ sản phẩm, khai thác có hiệu quả lợi thế tiềm năng phát triển kinh tế của từng vùng, gắn nông nghiệp với công nghiệp, nâng dần mức thu nhập trên một đơn vị canh tác, phát huy vai trò của kinh tế hộ gia đình, tạo điều kiện hỗ trợ các hình thức kinh tế trang trại, hợp tác, DNNVV ổn định sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Vốn tín dụng NH từ đó đã góp phần quan trọng giúp cho nhiều hộ thoát nghèo bền vững, và vươn lên làm giàu.
Những bước đi bài bản
Cách thức phối hợp chính sách bài bản không chỉ thể hiện qua lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, Tuyên Quang là địa phương có nhiều nỗ lực vượt bậc trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trở thành điển hình của sự bứt phá về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI). Từ nhóm có chỉ số PCI thấp (vị trí 63), tỉnh miền núi Tây Bắc này đang ngày một cải thiện và lọt vào nhóm có thứ hạng cao hơn.
“Ở đây có một thứ “đặc sản” đó là môi trường kinh doanh, việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh đã nói ở trên là một minh chứng cho điều này”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định.
Rất nhiều DN, nhà đầu tư đến với Tuyên Quang đều nhận định, để đạt được những đột phá trong cải cách như trên phải khẳng định vai trò quan trọng là từ chính sự nỗ lực bên trong của địa phương. Chính vì thế, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn như tập đoàn Vingroup, tập đoàn Mường Thanh, tập đoàn Dabaco và các tập đoàn lớn của nước ngoài.
Thực hiện theo Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ, tỉnh Tuyên Quang luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh của DN và nhà đầu tư với những nội dung trọng tâm, xác định lấy DN là đối tượng phục vụ cho sự phát triển và thịnh vượng của địa phương.
Định hướng này đã trở thành quan điểm chỉ đạo tập trung và xuyên suốt xuống các cấp các ngành của tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt là ngành NH. Tuy nằm ở một tỉnh miền núi còn kém phát triển, song các bước điều hành chính sách của ngành NH trong năm vừa qua lại hết sức chuyên nghiệp và bài bản, đưa đồng vốn vào tất cả các ngành chủ lực, các lĩnh vực ưu tiên để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và dần phát huy hiệu quả.
Ông Trịnh Ngọc Tuấn cũng cho biết, thực hiện chủ trương của NHNN Việt Nam, nhiều NHTM đã triển khai chương trình tín dụng hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đối tượng khách hàng là DN hoạt động phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; DN ứng dụng công nghệ cao, DN khởi nghiệp, DN môi trường… với lãi suất thấp, tối đa là 6%/năm.
Riêng trong năm vừa qua, lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên của ngành NH tỉnh luôn ở mức không quá 7%/năm, nhằm tạo mọi điều kiện để phát triển các ngành sản xuất theo định hướng phát triển của tỉnh. Cùng với đó, chất lượng tín dụng vẫn luôn được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 1%.
Năm 2016, NHNN tỉnh đã phối hợp với các TCTD trên địa bàn tổ chức Hội nghị kết nối NH - DN trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thường xuyên tổ chức thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ vay vốn giữa các DN với NH, tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các DN để đánh giá khó khăn, vướng mắc, từ đó có các biện pháp nhằm tháo gỡ cho các DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có điều kiện duy trì và phát triển sản xuất - kinh doanh.
Những nỗ lực của ngành NH đã được lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang ghi nhận. Ông Nguyễn Hải Anh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt biểu dương tinh thần của các TCTD, đồng hành và tạo mọi điều kiện phát triển cho DN. Ông đánh giá, việc cấp vốn tín dụng cho DN là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành NH nói riêng và cả tỉnh Tuyên Quang nói chung, bởi DN là khách hàng lớn, những khoản vốn vay tín dụng sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngoài ra, ngành NH tỉnh Tuyên Quang cũng không quên chia sẻ khó khăn với DN trong điều kiện nền kinh tế biến động phức tạp, khó lường. Cụ thể là các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với gần 400 DN với số dư nợ là hơn 1.000 tỷ đồng; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau cho gần 200 DN với số dư nợ là gần 2.900 tỷ đồng. NHNN tỉnh đã chủ trì tổ chức Hội nghị kết nối các NH trên địa bàn.
Tại đây, các NHTM đã ký cam kết cấp hạn mức tín dụng cho vay đối với khách hàng DN với tổng số tiền là hơn 300 tỷ đồng. Tiếp sau Hội nghị, từng NHTM tiếp tục thực hiện ký cam kết cho vay đối với các DN với mức lãi suất vô cùng ưu đãi, một số nhóm đối tượng ưu tiên thậm chí chỉ 4%/năm. Đây là các chính sách mà không phải ngành NH địa phương nào cũng mạnh dạn thực hiện để tạo điều kiện phát triển cho DN.
Nhờ triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, các văn bản chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam, bám sát nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, NHNN Tuyên Quang đã tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của Ngành. Lãi suất cho vay của các NH tiếp tục ổn định, cơ cấu tín dụng được chuyển dịch đúng hướng đầu tư cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp khai thác và chế biến.
Các hoạt động dịch vụ NH tiếp tục được mở rộng và phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu của khách hàng; vốn tín dụng và các dịch vụ NH đã góp phần tích cực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu năm 2016 của tỉnh. Đây chính là những bước tạo đà để tỉnh miền núi như Tuyên Quang sớm bật lên mạnh mẽ.