Ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc: Phát huy vai trò động năng thúc đẩy kinh tế của tỉnh
Trụ sở NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc |
Cộng sinh, đồng hành cùng doanh nghiệp
Ngày 10/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2022.
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Phạm Quang Nguyên, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc.
Phó giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Duy Chinh cho biết, tiếp nối năm 2020, trong năm 2021, NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo toàn hệ thống các TCTD trên địa bàn triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kịp thời báo cáo NHNN tỉnh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời duy trì hoạt động đường dây nóng và chỉ đạo các TCTD trên địa bàn trực đường dây nóng tại đơn vị để tiếp nhận và xử lý kịp thời, triệt để các kiến nghị, đề xuất, những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.
NHNN cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan kịp thời báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân hiệu quả nhất.
Lũy kế từ ngày 23/01/2020 đã có 22.400 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được vay mới với lãi suất ưu đãi, doanh số cho vay lũy kế đạt 100.000 tỷ đồng. Lũy kế số khách hàng được hạ lãi suất đến thời điểm 31/12/2021 là 22.890 khách hàng, dư nợ đạt 39.500 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi các ngân hàng đã hỗ trợ khách hàng bằng biện pháp hạ lãi suất là 173 tỷ đồng, số tiền lãi dự kiến sẽ hạ tiếp là 46 tỷ đồng. 120 khách hàng được miễn giảm lãi với số tiền 5,1 tỷ đồng... Lũy kế thực hiện từ ngày 13/3/2020, tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đạt 2.900 tỷ đồng cho 350 khách hàng (trong đó có 98 DN, dư nợ đạt 1.380 tỷ đồng; còn lại là cá nhân, hộ gia đình, HTX…).
Các TCTD thực hiện các chương trình miễn, giảm phí cho khách hàng với tổng số tiền miễn, giảm đạt 15 tỷ đồng. NHCSXH cũng đã giải ngân đối với 4 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho 200 lao động, dư nợ đạt 720 triệu đồng; 01 doanh nghiệp vay vốn trả lương phục hồi sản xuất, dư nợ đạt 1,1 tỷ đồng.
Hướng tín dụng vào các thế mạnh của tỉnh
Với định hướng không chỉ trợ đỡ doanh nghiệp và người dân vươn lên, bản thân các ngân hàng cũng phải song hành nỗ lực tìm giải pháp tăng trưởng theo kế hoạch đề ra, cũng như tích lũy thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế. Trên tinh thần đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế; chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn ngân hàng. Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hạn chế cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông.
Đặc biệt, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã bám sát vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện có hiệu quả sự chỉ đạo Chính phủ, Thống đốc NHNN, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù như: Cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt dư nợ 26.000 tỷ đồng, tăng 17,12%; Cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 19,65%; Cho vay doanh nghiệp đạt 49.000 tỷ đồng (với 3.180 DN), tăng 16,36%; Cho vay các đối tượng chính sách đạt 3.190 tỷ đồng, tăng 12,32% so với năm 2020.
Các TCTD mở rộng phát triển các sản phẩm, kênh cho vay phù hợp với từng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp; Đơn giản hóa thủ tục vay vốn, ứng dụng khoa học, công nghệ để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ vay; Triển khai có hiệu quả chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. Kết quả đến 31/12/2021, tổng dư nợ tín dụng đạt 101.393 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2020 (cao hơn mức tăng bình quân cả nước là 12,97%).
Năm 2021, các NHTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay các kỳ hạn từ 1-1,5%/năm và đưa ra nhiều gói cho vay phù hợp với từng đối tượng khách hàng khác nhau để khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng. Tín dụng tăng trưởng khá, đồng thời chất lượng tín dụng được nâng lên, cơ cấu tín dụng phần lớn là cho vay các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển (chiếm tỷ lệ 86,5% tổng dư nợ). Các ngân hàng tập trung cho vay đối với hộ gia đình, tư nhân, cá thể (chiếm 51,74% dư nợ), góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện kinh tế hộ gia đình, hạn chế tín dụng đen; khu vực doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phẩn, công ty TNHH (chiếm 42,23% dư nợ) tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp thích ứng với dịch bệnh, ổn định sản xuất và mở rộng kinh doanh.
Cùng với việc thực hiện Đề án xử lý nợ xấu, nâng cao kiểm soát, ngăn chặn nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu năm nay ở mức thấp, chỉ chiếm 0,8% tổng dư nợ, chất lượng tín dụng được nâng lên.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ mang lại sự thuận tiện cho người dùng. Ngành ngân hàng đã phối hợp với các cơ quan của tỉnh đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên các lĩnh vực: dịch vụ công, tài chính, viễn thông, điện lực, y tế, giáo dục… Hiện có 98% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 90% khách hàng thanh toán tiền điện, nước; 82% sinh viên đóng học phí qua tài khoản ngân hàng… đóng góp rất nhiều cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội của tỉnh.
Mặc dù dịch Covid-19 tác động toàn cầu nhưng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc vẫn tăng, thống kê toàn tỉnh có 16.000 món kiều hối chuyển qua các ngân hàng với số tiền là: 75 triệu USD, 5 triệu EURO là nguồn tiền đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2022, ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tăng trưởng huy động vốn từ 12-14%; Tăng trưởng tín dụng từ 14-16%; kiểm soát nợ xấu ở mức thấp, dưới 2% tổng dư nợ. |
Những nỗ lực của ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất, mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh, đặc biệt sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4; hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2021 với 18/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra; Tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 87,09 nghìn tỷ đồng, tăng 8,02% so với năm 2020, là tỉnh có tăng trưởng cao thứ 9 toàn quốc. Quy mô GRDP tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021 đạt 136,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 10,2% so với năm 2020, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 114,27 triệu đồng/người (tăng 8,8 triệu đồng/người so với năm 2020). Thu ngân sách đạt 32.896 tỷ đồng, đạt 107,2% kế hoạch đề ra (trong đó, thu nội địa 28.218 tỷ đồng).
Những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022
Bước sang năm 2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thuận lợi và khó khăn đan xen, để tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế của tỉnh, ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc đặt mục tiêu chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2022; Chỉ thị số 01/CT-NHNN của NHNN Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022.
Ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng phấn đấu giữ ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn; Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19; đa dạng và nâng cao chất lượng các dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, các TCTD đã chia sẻ, do dịch Covid-19 nên hoạt động của nhiều doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, ngành Ngân hàng tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng như cơ cấu lại nợ, giãn nợ, không chuyển nhóm nợ, miễn, giảm lãi… Tuy nhiên, các NHTM cũng là doanh nghiệp, khi ngân hàng huy động vốn từ tổ chức, cá nhân trong điều kiện dịch bệnh vẫn đảm bảo trả đầy đủ tiền gốc, lãi đến hạn, nhưng khi cho vay nếu khách hàng không trả nợ đúng hạn sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và hoạt động của ngân hàng.
Vì vậy, các TCTD đề nghị tỉnh chỉ đạo, quán triệt các doanh nghiệp trên địa bàn khi vay vốn cần phải có trách nhiệm trả nợ ngân hàng khi đến hạn, tránh để phát sinh nợ xấu vừa ảnh hưởng đến doanh nghiệp (không đủ điều kiện vay vốn tiếp) và ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng.
Đồng thời đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng, tạo điều kiện để các chi nhánh ngân hàng, TCTD xử lý nợ xấu, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội.
Biểu dương những kết quả mà ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc đã đạt được trong năm 2021, đồng chí Phạm Quang Nguyên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2022, ngành Ngân hàng tỉnh cần bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư có hiệu quả, đúng hướng các chương trình tỉnh đề ra; tiếp tục tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân về cơ chế cho vay, lãi suất, miễn giảm lãi, phí, cơ cấu lại thời hạn trả nợ; tiếp tục cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đồng thời, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng chỉ đạo ngành Ngân hàng trên địa bàn thực hiện tốt công tác thanh tra kiểm tra để phát hiện và ngăn ngừa các sai phạm trong hoạt động tín dụng của các TCTD, góp phần giúp các TCTD hoạt động an toàn hiệu quả.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo để triển khai trong thời gian tới, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Tâm yêu cầu các TCTD xây dựng kế hoạch kinh doanh bám sát các giải pháp điều hành; Tiếp tục triển khai quyết liệt, thiết thực các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn hiệu quả, chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng; tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật. Phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2022, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.