Ngành nhựa, cao su đối mặt với nhiều thách thức
Còn theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, sản phẩm cao su xuất khẩu đã tạo ra bước đột phá khi chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt 2,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu săm, lốp xe có giá trị tới 1,1 tỷ USD.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam Võ Hoàng An cho biết, doanh nghiệp ngành cao su đang tích cực vượt qua khó khăn để duy trì, phục hồi sản xuất phục vụ cho xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của ngành cao su vẫn tiếp đà tăng trưởng với xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt 787.000 tấn, giá trị 1,4 tỷ USD, tăng 10,3% về lượng và 13,3% về giá trị so với năm 2021. Sản phẩm công nghiệp cao su cũng tăng trưởng nhanh, đạt 2,2 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2021.
Việt Nam có 150 doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe. |
Hiện tại, lốp xe của Việt Nam đã có mặt ở 140 quốc gia, trong đó Hoa Kỳ là thị trường chủ lực với kim ngạch ước đạt 650 triệu USD, tăng 37% so với năm 2021; sau đó là Brazil, Đức và các thị trường khác. Việt Nam có 150 doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe trong 6 tháng đầu năm 2022.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM nhìn nhận, hiện doanh nghiệp Việt không còn xuất khẩu cao su thô nữa mà đã chuyển sang xuất khẩu sản phẩm cao su. Cách đây 10 năm, kỳ vọng mỗi năm chỉ là xuất khẩu được 1 tỷ USD các sản phẩm cao su nhưng hiện nay, trong năm 2021 đã xuất khẩu được 3,7 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt 2,2 tỷ USD. Đây là bước tiến rất lớn trong việc xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp cao su. Trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, ông Anh cho biết trong 6 tháng cuối năm, ngành sẽ gặp nhiều khó khăn vì nguyên liệu chủ yếu của ngành là cao su tổng hợp nhập từ nước ngoài mà hiện giá cả nguyên liệu vẫn không có dấu hiệu giảm.
Còn các doanh nghiệp ngành nhựa cũng chịu áp lực khi giá đầu vào và chi phí tăng từ 10-30%. Hơn thế, thách thức lớn nhất của ngành chính là việc chịu sức ép cạnh tranh trực tiếp từ các sản phẩm nước ngoài, khi phần lớn các công ty này đều sản xuất theo chuỗi cung ứng toàn cầu, áp dụng cải tiến công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có trên 3.300 doanh nghiệp nhựa với trên 250.000 lao động; lượng tiêu thụ chất dẻo/đầu người là khoảng 52 kg, so với các nước ASEAN và trên thế giới là ít hơn nhiều. Sản lượng toàn ngành đạt 5,9 triệu tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ năm 2001; doanh thu đạt trên 13,1 triệu USD, tăng 14,6%.
Mặt khác, hiện những nhãn hàng về giày dép, quần áo thời trang… lớn trên thế giới ngày càng đặt ra yêu cầu khắt khe về sản xuất bền vững, an sinh xã hội và sử dụng nguyên vật liệu tái chế với các nhà cung ứng, đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất nhựa phải đáp ứng.
Theo các chuyên gia, để gỡ khó trong thời gian sắp tới, doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam cần tiếp cận các nhà cung ứng, nhà cung cấp thiết bị và đây là giải pháp rất cần thiết. Cơ hội để các doanh nghiệp nhựa Việt Nam làm điều này chính là các cuộc triển lãm lớn. Đây là cơ hội tốt giúp doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà cung ứng, nhà phân phối, người mua và các chuyên gia kỹ thuật đẩy mạnh hợp tác kinh doanh. Đồng thời, giúp các bên tăng cường trao đổi kinh nghiệm, cập nhật thông tin và quy trình mới nhất cùng các nhà lãnh đạo đầu ngành và xây dựng mạng lưới số mạnh mẽ tại Việt Nam…
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam lưu ý các doanh nghiệp hội viên cần đổi mới mạnh mẽ, trong đó ưu tiên trước mắt là công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn và xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn đối với ngành nhựa.
“Để góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trong ngành nhựa hoạt động, chúng ta sẽ đẩy nhanh việc thành lập trung tâm thu gom, tái chế rác thải nhựa, thông qua nguồn tài trợ của các tập đoàn đa quốc gia có quan hệ hợp tác với Hiệp hội. Ngoài ra, tới đây, Hiệp hội Nhựa Việt Nam sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về rác thải nhựa, cùng các giải pháp xử lý rác thải nhựa thân thiện môi trường”, ông Lam nói.