Ngành nhựa đón cơ hội tăng trưởng sau đại dịch
Ảnh minh họa |
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong năm 2021, chỉ số sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh tăng 5,2% và chỉ số sản xuất sản phẩm từ cao su và plastics tăng 2,5% so với năm 2020.
Cụ thể, sản lượng một chủng loại nguyên liệu nhựa như sau: polyaxetal, polyete khác và nhựa epoxy, dạng nguyên sinh; polycarbonat, nhựa ankyt, polyalyl este và polyeste khác, dạng nguyên sinh đạt 605,67 nghìn tấn, tăng 9,65% so với năm 2020. Sản xuất plastic khác dạng nguyên sinh chưa được phân vào đâu, chất trao đổi ion đạt 439,05 nghìn tấn, giảm 4,43%.
Các doanh nghiệp ngành nhựa cũng đang lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021, trong đó không ít doanh nghiệp báo cáo kết quả khả quan về cả doanh thu và lợi nhuận.
Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại HCD vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với lợi nhuận tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020 lên tới 15,5 tỷ đồng.
Sự tăng trưởng đột phá này là do giá dầu tăng mạnh kéo theo giá hạt nhựa cũng tăng cao, trong khi Công ty dự trữ được một lượng lớn hàng tồn kho nhập tại thời điểm giá thấp.
Tính chung cả năm 2021, HCD đạt doanh thu 732 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là hơn 48 tỷ đồng, tăng lần lượt 47% và 3,29% so với năm 2020.
Còn với Công ty Cổ phần Nhựa Tiền Phong, doanh thu và lợi nhuận năm 2021 đạt lần lượt là 4.800 tỷ đồng và 460 tỷ đồng. Triển vọng tăng trưởng của Công ty nhờ vào sự hợp tác với Tập đoàn Sekisui giúp các sản phẩm của doanh nghiệp có cơ hội cung cấp cho các dự án ODA của Nhật Bản tại Đông Nam Á trong lĩnh vực hạ tầng.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh khả quan thì vẫn có những doanh nghiệp báo lỗ.
Trong đó, Công ty Cổ phần Nhựa Đà Nẵng (DPC) lần đầu báo lỗ khi doanh thu quý IV/2021 chỉ đạt gần 9 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ, trong khi chi phí quản lý tăng mạnh do phải thực hiện di dời toàn bộ hoạt động kinh doanh vào khu công nghiệp. Điều này khiến DPC báo lỗ sau thuế hơn 1,2 tỷ đồng trong quý IV/2021, trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi 4 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2021, DPC đạt doanh thu thuần hơn 48 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 5 tỷ đồng, lần lượt giảm 27% và 41% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo các doanh nghiệp nhựa, năm 2021, nguyên liệu hạt nhựa tăng mạnh cùng với các chi phí hỗ trợ khách hàng, chi phí lưu kho, chi phí logistics đều gia tăng so với năm trước là nguyên nhân khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm sâu.
Bước sang năm 2022, triển vọng cho ngành nhựa rất thuận lợi nhờ việc Việt Nam ký kết hàng loạt các FTA thế hệ mới trong thời gian gần đây (như CPTPP, EVFTA, RCEP) giúp mở ra cơ hội thu hút đầu tư không chỉ ở các nước đối tác FTA mà cả các nước khác để đầu tư sản xuất hàng hóa tại Việt Nam nhằm tận dụng các cơ hội của FTA.
Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Nam Thái Sơn cho biết, hiện doanh nghiệp có đầu ra tốt. Đầu năm 2022, Công ty đã có đơn hàng xuất khẩu liên tục, đáng chú ý nhất là đơn hàng khoảng 4.000 tấn đi thị trường châu Âu, với trị giá hơn 8 triệu USD.
Ngoài ra, đơn hàng từ thị trường Mỹ cũng tăng rất nhiều. Điều này xuất phát từ việc ngành sản xuất tại Mỹ đang bị ảnh hưởng do số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại.
Trong khi đó, Trung Quốc là nhà cung cấp sản phẩm nhựa lớn cho thị trường Mỹ cũng giảm sản lượng nên đơn hàng đổ về Việt Nam.
Đồng thời, ngành nhựa của Việt Nam có nhiều tiềm năng, đầu tư nước ngoài trong ngành nhựa trong những năm qua cũng chưa nhiều, dư địa cho các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn rất lớn.
Điển hình là Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) và Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng một nhà máy mới với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD, dự kiến được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024. Theo tính toán, nhà máy sẽ tạo khoảng 4.000 việc làm trong vòng 15 năm tới, cũng như gián tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cộng đồng tại địa phương.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp nhựa trong nước cũng đã bắt đầu đầu tư lớn cho công nghệ để cho ra nhiều sản phẩm nhựa chất lượng cao, phục vụ trong nước và xuất khẩu như Công ty TNHH Sản xuất linh kiện nhựa Thaco - TPC (đơn vị thành viên của Tập đoàn Thaco Auto) đã được trang bị hệ thống dây chuyền thiết bị hiện đại, góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước như Nga, Malaysia...
Tuy vậy, các doanh nghiệp ngành nhựa trong nước vẫn còn nhiều hạn chế về vốn và nguồn nguyên liệu. Trong đó, khó khăn nhất là về nguồn nguyên liệu, bởi các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI đã có sẵn nguồn cung cấp, trong khi các doanh nghiệp nhựa trong nước lại có tới 80% nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên ảnh hưởng đến việc cạnh tranh về giá thành.