Ngành nhựa từng bước vượt khó
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đưa ra báo cáo khá tích cực về nhựa Bình Minh (BMP), dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của BMP trong năm 2019 tăng lần lượt 5,2% và 21,2% so với cùng kỳ.
Ảnh minh họa |
Các nhà phân tích kỳ vọng mức biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng của BMP cũng lần lượt tăng 23% và 12% trong năm nay. Dù rằng BMP đưa ra kế hoạch cổ tức tiền mặt tối thiểu 2.000 đồng/CP, nhưng VDSC tin rằng BMP có thể trả tới 5.000 đồng/CP nếu đạt kế hoạch lợi nhuận.
Nhìn vào mức lợi nhuận ở trên, nhà đầu tư có thể cân nhắc giai đoạn khó khăn nhất với BMP đã qua và năm nay sẽ chứng kiến kết quả kinh doanh của DN hồi phục trở lại. Mặc dù khả năng tăng trưởng sản lượng không nhiều, nhưng cũng có thể nhìn thấy DN này có thể cải thiện biên lợi nhuận gộp nhờ giá bột nhựa PVC thấp và tình hình cạnh tranh giá bớt gay gắt. Các đối thủ của BMP sau nhiều năm tăng chiết khấu để giành thị phần sẽ cần điều chỉnh lại chiến lược để đạt lợi nhuận trong dài hạn.
Tương tự, Nhựa Tiền Phong (NTP) cũng đã ghi dấu ấn khá rõ nét. Dù áp lực cạnh tranh lớn nhưng ngay trong quý I/2019, NTP đã bắt đầu cho thấy sự cải thiện trong biên lợi nhuận gộp. Cập nhật số liệu mới nhất của NTP, có thể thấy mức biên lợi nhuận trong 2 quý đầu năm của DN có sự hỗ trợ do giá nguyên liệu tồn kho từ đầu năm thấp. Đồng thời kỳ vọng biến động giá nguyên vật liệu sẽ tiếp tục theo hướng có lợi cho NTP và đặt mục tiêu biên lợi nhuận ròng cho năm 2019 ở mức 8,5%, cao hơn so với mức 7,3% của năm 2018. Đến thời điểm này, NTP vẫn tỏ ra lạc quan vào khả năng tăng trưởng hai con số trong năm 2019.
Trên thực tế, trong ngành nhựa hiện nay, BMP và NTP vẫn là hai gương mặt nổi bật và thể hiện sự tăng trưởng trong ngành này. Do đó, với những biến đổi về số liệu kinh doanh của 2 DN này đã phần nào khẳng định khó khăn của DN này giảm bớt. Không chỉ vậy, các DN này còn cho thấy ngành sẽ có mức tăng trưởng tốt trong tương lai vì được hưởng nhiều lợi thế mới.
Cụ thể, mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng mạnh mẽ trong thời gian qua. Giá nguyên liệu đầu vào ngành nhựa (chủ yếu là hạt nhựa, chiếm khoảng 70% giá thành sản phẩm) cũng tăng mạnh trong mấy năm gần đây. Nếu tính từ cuối năm ngoái, với việc giảm nhẹ trở lại của giá dầu thô, giá nguyên liệu nhựa cũng có xu hướng chững lại và duy trì khá ổn định trong năm 2019. Đây cũng chính là lý do giúp cho kết quả kinh doanh các DN lớn trong ngành khả quan vì bớt bị tác động ở giá nguyên vật liệu.
Có điều, với đặc thù chủ yếu phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, các DN ngành nhựa vẫn đang phải đối mặt với rủi ro tỷ giá lớn. Đây là cũng là một điểm đáng quan tâm, có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, khi thời gian vừa qua, tỷ giá USD/VND, EUR/VND có biến động. Tuy nhiên, một số DN lớn như BMP và NTP cho biết, đã có những giải pháp tốt nhất để hạn chế rủi ro này.
Suy cho cùng, khó khăn của ngành nhựa vẫn còn hiện hữu, thế nhưng năm 2019 vẫn được xem là năm bản lề cho sự tăng trưởng của ngành và nhiều DN đã chứng minh được điều đó. Thông qua việc duy trì được tỷ suất lợi nhuận khá tích cực trong thời gian qua.
Và như đã nói, BMP là một trong những cổ phiếu được khá nhiều giới đầu tư ưa thích nhờ vị thế trong ngành hoạt động cũng như sức khoẻ tài chính lành mạnh. Như đánh giá của CTCK Bản Việt, đến nay BMP vẫn là thương hiệu ống nhựa hàng đầu đối với người tiêu dùng tại thị trường miền Nam. Đây là yếu tố then chốt giúp DN có mức biên lợi nhuận cao và giữ dòng tiền hoạt động ổn định.
Theo đó, BMP vẫn là một trong những DN tiếp tục duy trì trạng thái vay nợ tối thiểu cũng như lượng tiền mặt dồi dào để trả cổ tức tiền mặt. P/E hiện đang ở mức 8,6x là rất đáng để cân nhắc đối với các nhà đầu tư có mục tiêu đầu tư dài hạn.
Hay như NTP vẫn tỏ ra tương đối lạc quan khi đặt mục tiêu tăng trưởng 11% sản lượng tiêu thụ trong năm nay. DN cho biết đang nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ để giảm phụ thuộc vào tăng trưởng ngành xây dựng dân dụng. Việc ký hợp đồng với Thuỷ sản Minh Phú; khoản đầu tư chiến lược 33 tỷ đồng vào một số công ty cấp thoát nước (BWE và TDM) và khả năng trở thành nhà cung cấp trong các dự án hạ ngầm cáp điện của EVN được kỳ vọng giúp NTP đạt kế hoạch tăng trưởng tiêu thụ.
Ngoài ra, việc kéo dài thời gian khấu hao máy móc theo NTP cũng góp phần cải thiện lợi nhuận. Có điều, NTP không được như BMP trong khoản nợ vay. Trong đó, theo nhận xét của VDSC, vay nợ và chi phí lãi vay tăng cũng là một yếu điểm mà nhà đầu tư cần lưu ý đối với NTP, đặc biệt khi doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục đầu tư tăng quy mô tài sản cố định trong năm 2019. NTP cũng cho biết để phục vụ mục đích tái đầu tư, DN sẽ bắt đầu giảm tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt về mức 10% cho năm 2018, 2019 và 2020 (dự kiến) sau nhiều năm cổ tức tiền mặt đều đặn trên 20%/năm…