Ngành nông nghiệp đã vượt “cơn gió ngược”
Chọn lọc cho vay nông nghiệp công nghệ cao Vật tư nông nghiệp gắn với phát triển bền vững Thay đổi tư duy nông nghiệp gắn với phát triển xanh và bền vững |
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. |
Chiều 3/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những kết quả ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2023. Ngành nông nghiệp đã có một năm “được mùa, được giá”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt “cơn gió ngược”, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Ngành nông nghiệp Việt Nam từ bị động, lúng túng đã chuyển sang chủ động, tự tin, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến để xoay chuyển tình thế. Về sản xuất, chế biến, người dân và doanh nghiệp cũng chuyển trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang đột phá trong nông nghiệp.
Đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu là ngành hàng rau quả, với con số kỷ lục 5,6 tỷ USD, cao gấp rưỡi so với kỷ lục được thiết lập trước đó vào năm 2018 là 3,81 tỷ USD. Bên cạnh đó, sầu riêng vươn lên trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1, với kim ngạch hơn 2 tỷ USD trong năm 2023.
Thủ tướng khẳng định, nền kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực, theo đánh giá của các ngân hàng phát triển đa phương. Trong đó, thương mại nông, lâm, thủy sản góp phần ổn định đời sống người dân.
Năm qua, Việt Nam xuất siêu 28 tỷ USD, một phần do chúng ta giảm nhập khẩu nguyên liệu chế biến. Các doanh nghiệp, nông dân có xu hướng sử dụng nguyên liệu đầu vào nội địa, góp phần bình ổn thị trường.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngành nông nghiệp đã thể hiện được vị trí, vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần kìm chế lạm phát, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực đã trở thành nhà xuất khẩu gạo nằm trong tốp 3 thế giới. Nhờ các giống mới, chất lượng, các tiến bộ kỹ thuật, sản lượng lúa năm qua đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022 dù diện tích giảm khoảng 9.000ha.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sản xuất lương thực, thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát lạm phát. Dịch vụ ăn uống chiếm 33,56% trong “rổ” hàng hóa dịch vụ tính CPI.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ một cách linh hoạt, sáng tạo, tập trung xây dựng, trình nhiều chương trình, đề án như Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030
Đồng thời, tổ chức nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế như Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam, Festival tôm, Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo. Cùng các bộ, ngành xây dựng một số luật được thông qua.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chủ động đề xuất lãnh đạo Chính phủ làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản. Trên cơ sở đề xuất của Bộ, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 70%. Từ đó, Thủ tướng khẳng định Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ về tín dụng cho ngành nông nghiệp.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh nông nghiệp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, công nghiệp hóa nông nghiệp, xây dựng nông dân trí thức. Đây là những tư tưởng mới hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao trình độ, năng lực hiểu biết, cũng như kỹ năng của nông dân.
Trên tinh thần đó, ngành nông nghiệp đã có tốc độ tăng trưởng GDP 3,83%, cao nhất trong thời gian vừa qua. Theo Thủ tướng, đây là mức đóng góp cao, giải quyết được vấn đề việc làm ở nông thôn, giải quyết lạm phát, khẳng định vai trò trụ đỡ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành từ 3,5 - 4,0%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản từ 55 tỷ USD trở lên.
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức “biến không thành có, biến khó thành dễ”, bám sát phương châm chỉ đạo của Chính phủ với 16 chữ: Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững; quán triệt nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm tốt dự báo, cung cầu thông tin thị trường; triển khai thực hiện tốt các FTAs, đồng thời mở rộng, giảm phụ thuộc vào một số thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.