Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu cán đích tăng trưởng và xuất khẩu
Xuất khẩu rau quả sẽ cán đích 5 tỷ USD
|
Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 53 - 54 tỷ USD trong năm 2023 |
Trong 9 tháng, do giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng xuất khẩu chính giảm sâu, nên tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm thuỷ sản 6,64 tỷ USD, giảm 21,7%; lâm sản 10,44 tỷ USD, giảm 20,6%. Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi có giá trị tăng, nông sản 19,54 tỷ USD, tăng 16,7% (đóng góp bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; gạo 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%; hạt điều 2,61 tỷ USD, tăng 14,3%; cà phê 3,16 tỷ USD, tăng 1,9%) và sản phẩm chăn nuôi ước đạt 369 triệu USD, tăng 26,4%.
Bộ NNPTNT cho biết từ nay đến hết năm 2023, xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng mạnh. Các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu... sẽ có nhu cầu nhập khẩu rất lớn lượng rau quả từ Việt Nam để tiêu dùng. Trong khi đó, cuối năm cũng là mùa thu hoạch của nhiều loại rau quả với sản lượng cả nước khoảng 7,6 triệu tấn. Dự báo, xuất khẩu rau quả năm 2023 có thể đạt trên 5 tỷ USD.
Trong đó xuất khẩu gạo đạt kỷ lục nhưng an ninh lương thực trong nước vẫn hoàn toàn được đảm bảo.
Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực Châu Á đạt 18,71 tỷ USD, tăng 4,9%; Châu Mỹ 8,73 tỷ USD, giảm 22,5%; Châu Âu 4,17 tỷ USD, giảm 11,2%; Châu Phi 809 triệu USD, tăng 18,8%; Châu Đại Dương 570 triệu USD, giảm 18,6%.
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 03 thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,1%, tăng 13,8%; Hoa Kỳ chiếm 20,7%, giảm 22,6% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 7,7%.
Năm 2023, ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 53 - 54 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42,0%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%.
Một trong những nhiệm vụ trong tâm trong quý IV là tập trung kiểm soát các hành vi nghiêm trọng về khai thác IUU, ngặn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác trái phép vùng biển nước ngoài; chuẩn bị nội dung để tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu trong tháng 10/2023.
Bộ NNPTNT cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản theo hướng đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Bộ sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, liên minh kinh tế Á-Âu..., tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.