Ngành nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn tiềm tàng trong tương lai
Ngành nông nghiệp cần phát triển bứt phá mạnh mẽ hơn, bền vững hơn Hướng tới sản xuất thực phẩm bền vững, trách nhiệm Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ tăng trưởng mạnh |
Tỷ suất lợi nhuận của ngành nông nghiệp đang tiến đến điểm bão hòa. |
Tỷ suất lợi nhuận gộp ngành nông nghiệp giảm
FiinGroup vừa có báo cáo cập nhật triển vọng ngành nông nghiệp, cho thấy rõ mối tương quan giữa sự phục hồi hoạt động xuất khẩu trong ngành này và sự tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp nông nghiệp trong năm 2021 và 2022.
Dữ liệu từ FiinGroup cho thấy những hệ quả nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đã làm suy giảm tăng trưởng doanh thu ròng của các doanh nghiệp trong ngành vào năm 2020.
Tuy nhiên 2 năm sau đó, ngành nông nghiệp đã chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể, đặc biệt phải kể đến ngành hàng lúa gạo và rau quả, khi mà 2 ngành hàng này đạt tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng, lần lượt là 46,5% và 23,2% vào năm 2022.
Sự phục hồi về giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông sản đóng vai trò là động lực then chốt đằng sau hiệu quả tài chính tích cực của ngành, thúc đẩy một môi trường phục hồi và tăng trưởng.
Mặc dù có mức tăng trưởng ấn tượng về doanh thu được ghi nhận vào năm 2022, những phân tích sâu hơn về khả năng sinh lời của ngành nông nghiệp cho thấy mức tỷ suất lợi nhuận của ngành dường như đang tiến đến điểm bão hòa.
Tổng tỷ suất lợi nhuận gộp cho các mặt hàng nông sản chính đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Tỷ suất lợi nhuận gộp của toàn ngành giảm từ 13,2% vào năm 2021 xuống còn 11,9% vào năm 2022. Trong ngành hàng lúa gạo, tỷ suất lợi nhuận gộp đã giảm từ gần 17% vào năm 2021 xuống còn 13,5% vào năm 2022, cho thấy sự suy giảm trong khả năng sinh lời.
Xu hướng này có thể do việc giá cả sản xuất leo thang của ngành nông nghiệp trong những năm gần đây. Biến động về chi phí nguyên vật liệu đầu vào như phân bón, hạt giống và máy móc có thể gây áp lực đáng kể lên doanh nghiệp nông nghiệp, ảnh hưởng đến tổng lợi nhuận.
Nhiều doanh nghiệp ngành nông nghiệp ngừng hoạt động
Triển vọng sinh lời giảm sút cùng với những rủi ro có thể đã góp phần làm giảm sự thu hút của ngành nông nghiệp đối với các doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ 4 năm qua.
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy, số lượng doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp mới đăng ký ở Việt Nam trong năm đã duy trì ổn định tại khoảng 1.000 doanh nghiệp trong nửa năm đầu trong suốt 4 năm tính đến 2023, khi con số giảm xuống khoảng 800 doanh nghiệp.
Ngoài ra, sự chênh lệch lớn dần giữa số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và số lượng doanh nghiệp tái hoạt động cho thấy thêm dấu hiệu lo ngại đặt ra cho triển vọng của ngành Nông nghiệp Việt Nam.
Đối với ngành Nông nghiệp, mô hình chấm điểm của FiinGroup, một thuật toán giúp thực hiện phân tích và cung cấp cái nhìn khách quan hơn về rủi ro tín dụng, cũng đã cho thấy sự khó khăn tiềm ẩn mà ngành sẽ gặp phải. Mô hình đã dự báo ngành nông nghiệp sẽ duy trì ở mức rủi ro tương đối thấp cho đến giữa năm 2023, được chỉ ra bởi giá trị điểm số cao.
Tuy nhiên, vào cuối năm, điểm số các ngành nông nghiệp được dự báo là sẽ giảm, cho thấy mức rủi ro tăng lên đáng kể. Hơn nữa, bằng cách sử dụng kỹ thuật phân phối rủi ro dựa trên số liệu định lượng cho ngành nông nghiệp, ta có thể quan sát rõ sự dịch chuyển dần về phía bên trái từ năm 2022 đến năm 2023, chỉ ra mức rủi ro cao hơn cho ngành.
Đã có sự xuất hiện nhiều hơn của các doanh nghiệp đối mặt với mức độ rủi ro rất cao và cao, cộng lại chiếm hơn 13% vào năm 2023 so với 10% vào năm 2022 của toàn ngành dựa trên chỉ số này. Hơn nữa, các rủi ro này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần, dự báo những khó khăn và bất định tiềm tàng mà các doanh nghiệp trong ngành có thể gặp phải.
Trong nửa đầu năm 2023 ngành nông nghiệp đã có các chỉ số về xuất khẩu tích cực trong một số mặt hàng chủ lực, tuy nhiên triển vọng ngắn hạn của ngành còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chủ động thực hiện các biện pháp cần thiết để đối mặt những nhiều thách thức sắp tới một cách hiệu quả nhất từ các doanh nghiệp Việt Nam.
Không thể phủ nhận sự hồi phục sau đại dịch và tăng trưởng xuất khẩu đã tạo ra những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến động tiêu cực của nền kinh tế toàn cầu, tạo ra bởi sự leo thang trong chi phí sản xuất, căng thẳng thương mại và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp được dự báo là sẽ gặp rất nhiều những khó khăn tiềm tàng trong tương lai.
Để duy trì tính cạnh tranh và giữ vững vị trí trên thị trường, các doanh nghiệp trong ngành có thể phải ưu tiên một chiến lược linh hoạt cũng như cần phân tích rủi ro toàn diện khi đối mặt với những biến động này.