Ngành thực phẩm và đồ uống hồi phục trong khó khăn
Theo nhận định của các chuyên gia, trong năm qua, những trở ngại vĩ mô và môi trường kinh doanh đầy thách thức; những khó khăn về việc làm khiến người tiêu dùng nhìn chung có tâm lý thắt chặt chi tiêu khi sức mua, thu nhập và giá trị tài sản bị sụt giảm. Do đó, các nhu cầu tiêu dùng cao cấp như nâng cấp nhà cửa, xe cộ, du lịch… cũng chững lại.
Tuy nhiên, một số nhu cầu thiết yếu phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như nhu yếu phẩm, thực phẩm và đồ uống (F&B), học hành, khám chữa bệnh nhìn chung không bị ảnh hưởng nhiều.
Ảnh minh họa. |
Báo cáo tài chính mới đây nhất của Tập đoàn Masan cho thấy, mảng kinh doanh bán lẻ những mặt hàng thiết yếu, nhất là F&B của họ phát triển khá tốt dù phải đối mặt với khó khăn chung của thị trường. Cụ thể, WinCommerce đã ra mắt mô hình “Point of Life” với việc đưa 102 cửa hàng WIN đi vào hoạt động. Đây là mô hình bán lẻ đột phá có khả năng đáp ứng hơn 60% nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày tại một địa điểm tích hợp cung cấp các nhu yếu phẩm, F&B, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ viễn thông và tài chính.
Riêng đối với mảng kinh doanh đồ uống, kể từ khi được Masan mua lại, Phúc Long Heritage (PLH) đã khai trương 44 cửa hàng vào năm 2022, mang lại biên lợi nhuận cấp cửa hàng là 26%, tạo đà tăng tốc mở rộng quy mô vào năm 2023. Tính đến cuối năm 2022, PLH có 132 cửa hàng, tăng gấp đôi số lượng của mô hình này và thu hẹp khoảng cách đáng kể so với các thương hiệu F&B khác, với vị trí số 2 về doanh thu và số 1 về tỷ suất lợi nhuận trong ngành.
Ở một trường hợp khác, câu chuyện của Trung Nguyên cũng là một điển hình. Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2022, hệ thống Trung Nguyên Legend Café, Trung Nguyên E-Coffee và Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend đều đẩy mạnh phát triển rộng khắp trong nước, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác quốc tế từ các thị trường như Hàn Quốc, ASEAN, Mỹ... Trung Nguyên Legend Café vừa mở đồng loạt 12 không gian, đưa hơn 20 không gian đi vào hoạt động trong vòng 2 tháng qua. Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend tại Thượng Hải (Trung Quốc) đã khẳng định sức hút mạnh mẽ của mình. Hiện Công ty đang nỗ lực thực hiện mục tiêu có 3.000 cửa hàng tại 63 tỉnh thành, khẳng định vị thế của mình trên thị trường.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), doanh số bán lẻ của Việt Nam trong quý III/2022 đạt 1.137 nghìn tỷ đồng, không chỉ cao hơn 40% so với quý III/2021 mà còn cao hơn mức trước đại dịch. Ngoài ra, chỉ số này cũng tăng nhẹ vào tháng 11/2022 đạt 397 nghìn tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD), tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Mùa mua sắm cao điểm của ngành F&B rơi vào quý IV/2022 và quý I/2023 là vào dịp lễ Giáng sinh và Tết Nguyên đán.
Chuyên gia VDSC cho rằng, thời gian tới đây, người tiêu dùng Việt Nam sẽ tiếp tục chi tiêu cho các sản phẩm F&B thiết yếu, một bộ phận không nhỏ trong số họ sẽ thích các thương hiệu phổ thông, phù hợp với túi tiền. Do đó, những công ty sở hữu danh mục sản phẩm đa dạng từ phân khúc bình dân đến cao cấp sẽ có hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Dự báo, ngành F&B sẽ có sự tăng trưởng mạnh hơn từ việc hồi phục của du lịch toàn cầu.