Ngành thuế, hải quan tăng tốc chuyển đổi số
Nộp thuế xuất nhập khẩu: Chương trình doanh nghiệp nhờ thu mang lại lợi ích cho cả ba bên
|
Chia sẻ tại diễn đàn Thuế - Hải quan 2023 với chủ đề "Chuyển đổi số ngành thuế và hải quan, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”, ngày 8/11, ông Phạm Thu Phong - Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định ngành tài chính là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng cao trong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và cần được tập trung ưu tiên phát triển.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược tài chính đến năm 2030, trong đó nội dung quan trọng nhất là hiện đại hóa chuyển đổi số trong ngành tài chính. Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong thời gian qua, toàn ngành tài chính đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực.
Ngành thuế đã đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan. Giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Các lĩnh vực thuế, hải quan, luôn tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số với các kết quả ấn tượng. Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Trên 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử.
Trong lĩnh vực hải quan, 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia. Các nền tảng xây dựng và quản trị dữ liệu được xây dựng theo hướng tăng cường sự tương thích giữa các cơ sở hạ tầng thông tin của các cơ quan Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch điện tử; bảo đảm việc chia sẻ dữ liệu của ngành tài chính cho các bộ, ngành, địa phương.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, nhằm hỗ trợ người nộp thuế trong việc khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử nhanh chóng, thuận tiện, từ năm 2009, ngành Thuế đã triển khai cung cấp các dịch vụ thuế điện tử phục vụ cho người dân và doanh nghiệp trong việc khai thuế, nộp thuế điện tử và năm 2017 là dịch vụ hoàn thuế điện tử.
Đặc biệt từ tháng 6/2023 Tổng cục Thuế đã triển khai ID khoản phải nộp hỗ trợ người nộp thuế tra cứu, xác định các khoản nộp theo tính chất, thứ tự thanh toán.
Chiến lược phát triển công nghệ thông tin của ngành thuế giai đoạn 2021-2025 theo hướng tích hợp, tập trung. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đáp ứng yêu cầu chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.
Trong giai đoạn tới, ngành thuế cần triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện. Đó là xây dựng kho cơ sở dữ liệu thuế và phát triển hệ thống phân tích dữ liệu, quản lý rủi ro; mở rộng các dịch vụ thuế điện tử.
Đồng thời, mở rộng bản đồ số đối với hộ, cá nhân kinh doanh. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, an toàn an ninh theo định hướng chuyển đổi số.
Ngành thuế đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, đưa các dịch vụ thuế số tiện ích đến với người nộp thuế. |
Ghi nhận tinh thần đổi mới sáng tạo của cơ quan thuế, hải quan dành cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Bắc Hà - Trưởng ban Hội viên và Đào tạo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, những cải cách đó của ngành thuế , hải quan đã tạo điều kiện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong hoàn thành các thủ tục hành chính, giảm bớt quá trình giao dịch trực tiếp giữa cán bộ ngành thuế và hải quan với người dân và doanh nghiệp, tỷ lệ các thủ tục hành chính qua nền tảng trực tuyến ngày càng tăng...
“Tuy nhiên, chuyển đổi số vẫn còn ở phía trước, đòi hòi sự vận động chuyển mình liên tục từ các chỉ đạo từ trên xuống dưới, sự trang bị cơ sở kỹ thuật đồng bộ cùng với nền tảng pháp lý căn bản tương ứng”, ông Nguyễn Bắc Hà lưu ý.
Đánh giá về chiến lược cải cách và quản lý thuế, hải quan, TS. Cấn Văn Lực cho biết, ngành thuế liên quan đến 907 nghìn doanh nghiệp và khoảng 28 triệu người dân.
Trong khi đó, lĩnh vực hải quan liên quan đến khoảng 80 nghìn doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Vừa rồi đã có 64,7 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký vào hệ thống dịch vụ công một cửa liên quan đến xuất nhập khẩu.
Với sự ảnh hưởng này, chuyển đổi số sẽ có sự lan tỏa rất lớn và người dân sẽ được thụ hưởng từ việc này.
“Tôi mong muốn chuyển đổi số tốt hơn nữa để người dân được hưởng lợi. Vừa rồi chúng ta đã làm rất tốt khâu kế hoạch chiến lược. Cụ thể, lĩnh vực tài chính là 1 trong 8 lĩnh vực đầu tiên ưu tiên chuyển đổi số của Chính phủ. Bộ Tài chính cũng đã có chiến lược phát triển ngành Tài chính quốc gia, trong đó tôi thấy những trụ cột chuyển đổi số là rất quan trọng”, ông Lực nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, chiến lược cải cách và quản lý thuế, hải quan cũng đã được ban hành cụ thể và điều này thể hiện các ngành Thuế và Hải quan đã có những chiến lược bài bản. Vấn đề cần quan tâm nữa là khách hàng, làm sao để việc sử dụng dịch vụ nền tảng số của các cơ quan dễ dàng, tiện lợi.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam đánh giá cao kê khai thuế của các nhà cung cấp nước ngoài trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và cho rằng, đây là một hoạt động rất xuất sắc của ngành Thuế.
Hiện nay đã có 74 nhà cung cấp khai thuế và đến thời điểm này, các nhà cung cấp đã cung cấp gần 11.500 tỷ đồng tiền thuế trên nền tảng Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Với ngành hải quan, bà Cúc cho biết, thời gian đầu Việt Nam thực hiện VNACCS/VCIS rất khó khăn nhưng đã thành công và hiện đang triển khai 1 cửa quốc gia, 1 cửa ASEAN. Đặc biệt, đã phát triển hệ thống kiểm tra kết nối Internet ứng dụng trong quá trình kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu trong vùng chứa.
“Việt Nam học tập Nhật Bản, nhưng hiện nay đã làm tốt hơn Nhật Bản khi thủ tục hải quan luồng xanh ở Việt Nam làm rất nhanh”, bà Cúc khẳng định.