Ngành tôm đối mặt bài toán ô nhiễm môi trường
Ngành tôm đối mặt với nhiều thách thức Ngành tôm nâng tầm chuỗi giá trị Nghìn tỷ đầu tư vào đồng ruộng, vuông tôm |
Nuôi tôm muốn bền vững thì phải thân thiện với môi trường, đầu tư hệ thống thủy lợi, xử lý nước. |
Chiều 21/7/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức "Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam”.
Nuôi tôm gây áp lực đến môi trường
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước có 374 cơ sở chuyên và có kết hợp chế biến tôm đủ điều kiện xuất khẩu tôm sang hơn 100 thị trường, với công suất trên 1,7 triệu tấn nguyên liệu/năm.
Tôm được nuôi tập trung chủ yếu tại các tỉnh Nam trung Bộ (Khánh Hoà, Phú Yên, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu), các tỉnh Đồng bằng song Cửu Long (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang).
6 tháng đầu năm 2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 656.000 ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó diện tích tôm sú 605.000ha, tôm thẻ chân trắng 51.000ha. Sản lượng tôm nước lợ của cả nước đạt 467.000 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Bạc Liêu là một trong số 3 địa phương có diện tích và sản lượng nuôi tôm đứng đầu cả nước (diện tích hơn 140.000 ha). Hàng năm Bạc Liêu đóng góp từ 20 - 21% tổng sản lượng tôm nuôi của cả nước.
Tuy nhiên, nghề nuôi tôm của Bạc Liêu cũng như cả nước nói chung ngày một phát triển tăng cả về số lượng và chất lượng đã tạo nên thách thức lớn đó là bài toán về môi trường.
"Nếu chúng ta tiếp tục chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà vấn đề về ô nhiễm và xả thải ra môi trường không được xử lý tốt, thì sẽ trở thành trở ngại rất lớn trong tương lai", ông Phạm Văn Thiều chia sẻ.
Theo ông Đặng Văn Ngọc - Giám đốc Hợp tác xã 30 Tháng 4 (Bạc Liêu), trước đây nuôi tôm rất dễ vì môi trường sạch nhưng từ khi có phong trào nuôi tôm siêu thâm canh với việc thay nước nhiều, cho tôm ăn nhiều, mật độ nuôi cao đã gây ra áp lực lớn đến môi trường nuôi, nhất là chất thải.
Ông Ngọc cho hay, trước kia cho tôm ăn chỉ 100kg, nay cho ăn 1 tấn mà tôm chỉ hấp thụ 40%, còn lại 60% thải ra môi trường. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy chế biến, sơ chế tôm không xử lý tốt chất thải, nước thải rồi đổ ra môi trường, người dân trong khu vực phải gánh chịu.
Theo ông Nguyễn Văn Hữu - Phó phòng Nuôi trồng Thủy sản (Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, người dân nuôi tôm sử dụng thức ăn thừa, thuốc, hóa chất, nước thải. Hiện hạ tầng thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản còn thiếu, chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp là hạn chế và thách thức lớn đối với ngành tôm hiện nay, ảnh hưởng đến giá trị ngành tôm.
Ngoài ra, ông Ngô Thế Anh - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện ngành tôm đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu và hạn - mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long biến động khó lường, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Đầu tư hệ thống thủy lợi, xử lý nước
TS. Nguyễn Thanh Tùng - Viện trưởng Viện nghiên cứu thủy sản 2, diện tích nuôi tôm tại một số tỉnh phát triển mạnh như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau và Bến Tre đang tăng mạnh. Tuy nhiên, nguồn nước phát triển nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu lấy từ kênh rạch đang bị ảnh hưởng nhiều bởi ô nhiễm, nhiều vi khuẩn vượt ngưỡng cho phép. Nếu không xử lý tốt thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với người nuôi tôm.
Theo ông Phạm Văn Thiều, môi trường là yếu tố sống còn trong ngành tôm. Thời gian qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều văn bản nhằm quản lý với quan điểm không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành công nghiệp tôm phải đi đôi với bảo vệ môi trường.
PGS-TS Nguyễn Phú Quỳnh - Phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho hay, hiện trạng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống kênh thiếu đồng bộ, lộn xộn, manh mún. Nếu giữ nguyên tình trạng này để xây dựng vùng nuôi hiệu quả, bền vững là không thể được.
Ông Quỳnh cho rằng, muốn nuôi tôm thâm canh hiệu quả thì người nông dân phải hợp tác cùng nhau, xây dựng lại đồng ruộng với đầy đủ công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi nội đồng khép kín. Vì nuôi tôm ở vùng ven biển nên rất cần các hầm trữ nước ngọt cho vùng nuôi ở Cà Mau, Bạc Liêu.
Theo TS Nguyễn Thanh Tùng, nuôi tôm muốn bền vững thì phải thân thiện với môi trường, đầu tư hệ thống thủy lợi, xử lý nước. Nhưng làm theo cách này thì phải tốn nhiều chi phí cần được đầu tư, hỗ trợ về vốn.
Ông Ngô Thế Anh cho rằng muốn nuôi tôm bền vững cấn áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất như tiết kiệm nước và nhiên liệu, thân thiện môi trường, hướng tới không sử dụng kháng sinh trong sản xuất, tạo sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, nuôi có chứng nhận đáp ứng các yêu cầu của thị trường; nuôi theo hướng giảm thiểu phát thải nhà kính, giảm sử dụng vật liệu nhựa.
Đồng thời đa dạng hóa các phương thức nuôi theo điều kiện từng vùng và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Phát triển nuôi tôm ở các vùng bị nhiễm mặn, vùng chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của mỗi địa phương.
Theo ông Ngô Thế Anh, đối với các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ cần ưu tiên phát triển nuôi tôm sú sinh thái ở rừng ngập mặn, nuôi hữu cơ, nuôi tôm - lúa. Áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất tôm nuôi tại các vùng nuôi quảng canh.