Ngành tôm đối mặt với nhiều thách thức
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2022, diện tích tôm nước lợ thả nuôi của cả nước đạt 747 nghìn ha; trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 610 nghìn ha, tôm thẻ chân trắng là hơn 117 nghìn ha còn lại là tôm càng xanh và tôm khác. Sản lượng tôm nuôi các loại đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 8,5% so với năm 2021; trong đó, sản lượng tôm sú đạt hơn 271 nghìn tấn; tôm thẻ chân trắng đạt hơn 743 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2022 đạt 4,3 tỷ USD, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Con tôm Việt Nam đã được xuất sang 108 thị trường, thay vì 103 thị trường như năm 2021, trong đó xuất khẩu sang 9 thị trường chính chiếm hơn 97% tổng giá trị.
Năm 2023, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu phấn đấu sản lượng tôm các loại đạt hơn 1 triệu tấn, trong đó tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 750 nghìn tấn, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 4,3 tỷ USD.
Các doanh nghiệp thủy sản cần tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. |
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, xuất khẩu tôm năm 2022 đạt mức kỷ lục là nhờ vào đơn hàng gối từ năm 2021 do Covid-19 mà bị đình lại; cùng với đó là giá tôm tăng, cộng với nỗ lực lớn của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta trong tháng 1/2023 chỉ đạt 169,134 triệu USD, giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Hòe, ngành tôm đang phải cạnh tranh gay gắt hơn từ các nước như Ecuador và Ấn Độ. Năm 2023, dự kiến Ecuador sẽ có sản lượng 1,5 triệu tấn tôm thẻ chân trắng, cao gấp 2 lần sản lượng của Việt Nam.
Hiện giá tôm nhập khẩu trên thế giới đang giảm dần từ nửa cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi nguồn cung toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng, dẫn đến chế biến tôm xuất khẩu càng thêm khó khăn.
Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện giá thành sản xuất tôm của Việt Nam vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện (chi phí cao gấp 2 lần so với sử dụng điện); giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu, sản phẩm thủy sản tăng cao... Cùng với đó, các quốc gia có thế mạnh phát triển nuôi tôm như Indonesia, Ecuador, Trung Quốc... đều đặt mục tiêu tăng sản lượng nuôi trồng tôm trong năm 2023. Vì vậy, người nuôi tôm sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Ngoài ra, hiện nay hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật; hệ thống cấp thoát nước không đảm bảo, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh.
Một khó khăn nữa là công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao. Mặc dù diện tích lớn nhưng sản lượng và giá trị thấp. Đồng thời, công tác đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ còn chậm, tỷ lệ đăng ký thấp, chỉ đạt 9,3%.
Ông Trương Đình Hòe cho biết, với lượng tồn kho còn lớn, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ chưa thể phục hồi trong nửa đầu năm nay, và vẫn sẽ tập trung nhiều hơn vào tôm size nhỏ với lợi thế đang nghiêng về Ecuador vì có nguồn cung dồi dào hơn và thuận lợi về vị trí địa lý. Bên cạnh đó, nền kinh tế châu Âu còn tiếp tục gặp khó nên tình hình xuất khẩu tôm sang khu vực này nhìn chung là không sáng sủa trong năm 2023. Các dự báo cho thấy nhu cầu thị trường chỉ hồi phục từ quý II/2023 trong xu hướng giá thấp hơn.
Để đạt được kế hoạch đề ra, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng người nuôi tôm phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản, trước mắt, khẩn trương thực hiện đăng ký đối tượng nuôi chủ lực theo quy định tại Điều 36 của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong điều kiện khó khăn như hạn hán, xâm nhập mặn, biến động môi trường dẫn đến dễ phát sinh dịch bệnh, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian...
Các doanh nghiệp thủy sản cần tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao.