Ngành tôm kỳ vọng sức bật từ EVFTA
Ngành tôm tăng tốc chinh phục thị trường châu Âu |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (Hiệp định EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020 đã mang đến triển vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong những tháng cuối năm 2020.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, một số mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu có mức thuế hiện nay là 12 - 20% sẽ về 0% như tôm sú đông lạnh. Sau 5 - 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, một số mặt hàng tôm khác sẽ được điều chỉnh về 0%. Mới đây, những lô tôm đông lạnh Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu sang châu Âu với thuế suất nhập khẩu về 0% theo cam kết EVFTA.
Đại diện Công ty Thông Thuận (Ninh Thuận) cho biết, các đơn hàng của công ty tại thị trường EU tăng mạnh. Tháng 9/2020, doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu 9,5 triệu USD, trong đó xuất vào châu Âu khoảng 4,5 triệu USD. Dự kiến trong năm 2020, doanh số xuất khẩu vào châu Âu của công ty đạt khoảng 45 triệu USD.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Hiệp định EVFTA đã mở ra cơ hội rất lớn cho ngành tôm Việt Nam. Các sản phẩm tôm được hưởng thuế suất nhập khẩu bằng 0% ở thị trường châu Âu sẽ thúc đẩy sự gia tăng về xuất khẩu của cả ngành. Một số khác là các sản phẩm chế biến sâu được giảm về 0% trong 3-5 năm tới sẽ là một cơ hội rất tốt để trước mắt Việt Nam thúc đẩy sản xuất và cũng là giúp ngành tôm có được kế hoạch lâu dài để tái cơ cấu ngành.
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận Phước chia sẻ, trong bối cảnh nhiều nước như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan... phải thu hẹp sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành tôm Việt lại càng có cơ hội ở thị trường EU. Song ông Lĩnh cũng chỉ rõ điểm yếu của ngành tôm Việt Nam là quy mô nuôi trồng nhỏ lẻ nên giá thành cao hơn nhiều nước. Hiện giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn của Ấn Độ từ 8-12% tùy theo kích cỡ, mùa vụ. Điều này dẫn đến một bất lợi là dù EVFTA có đem đến cơ hội thuế nhập khẩu về 0% thì tôm Việt Nam cũng khó cạnh tranh với sản phẩm của Ấn Độ.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng chung nhận định trên và bày tỏ, doanh nghiệp rất mong được Nhà nước hỗ trợ để xây dựng những trung tâm đảm nhiệm khâu thu mua nguyên liệu, đồng thời cũng là nơi phân phối thức ăn nuôi thủy sản, vật tư nông nghiệp.
Hiện nay, đang có nghịch lý diễn ra ở ngành tôm là vùng nuôi tại nông thôn, trong khi nhà máy chế biến phải ở khu dân cư thì mới có công nhân sản xuất. Vì vậy, thời gian tới, ngành tôm cần phải phát triển theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp là một mắt xích giúp nâng cao giá trị sản xuất của cả ngành, ông Quang kiến nghị.
Cùng với đó, để đáp ứng việc truy xuất nguồn gốc cho thị trường châu Âu và các thị trường khác, Tổng cục Thủy sản đã yêu cầu các địa phương đẩy nhanh các việc cấp mã số vùng nuôi tôm, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất vì sản xuất tôm nhỏ lẻ đang còn nhiều, nên việc truy xuất nguồn gốc khó và khả năng cạnh tranh yếu.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, ngành tôm Việt Nam vẫn phải tiếp tục tăng cường về khoa học công nghệ, chủ động được đàn tôm bố mẹ. Đặc biệt, cần kiểm soát chặt về tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh, tăng cường các nguồn nuôi sạch, nuôi có kiểm soát. Cùng với đó, phải hết sức tích cực đẩy mạnh xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam ở thị trường châu Âu - được xem là một “tín chỉ” để đưa tôm Việt Nam đến bất cứ thị trường nào trên thế giới.