Ngành tôm nâng tầm chuỗi giá trị
Ông Trần Công Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển ngành thủy sản và nền kinh tế Việt Nam, giúp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2022, tỷ trọng giá trị xuất khẩu tôm luôn chiếm ở mức cao, từ 36,8 - 50,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Bước sang năm 2023, ngành tôm đặt mục tiêu đạt diện tích nuôi trồng 750.000 ha, sản lượng tôm các loại hơn 1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 4,3 tỷ USD.
Ảnh minh họa |
Những năm qua, ngành tôm Việt Nam liên tục đạt được sự tăng trưởng tốt về diện tích, sản lượng và giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành hàng này vẫn còn phải đối mặt với nguy cơ phát triển không bền vững, do hiệu quả sản xuất còn hạn chế, dẫn đến thu nhập của người nuôi tôm còn thấp, việc phân chia lợi nhuận và trách nhiệm trong chuỗi giá trị cũng còn tồn tại nhiều bất cập. Cùng với đó, ngành tôm cũng đang phải đối mặt với các thách thức do biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh.
Dù xuất khẩu đứng trong top đầu thế giới, ngành tôm Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức liên quan đến nguồn cung nguyên liệu như chất lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát vùng nuôi còn thấp. Đặc biệt, hiện giá thành sản xuất tôm của Việt Nam vẫn còn cao hơn các nước khác, làm suy giảm sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Hiện chuỗi giá trị tôm Việt chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm ước đạt gần 577 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2022.
Để vượt qua những thách thức và đạt được các mục tiêu đề ra, cần có sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho con tôm Việt.
Theo ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, giá tôm nguyên liệu của Việt Nam luôn cao hơn so với các quốc gia trong khu vực, nguyên nhân chính là vì tỷ lệ nuôi thành công ở Việt Nam còn thấp, dưới 40%. Để giảm giá thành tôm nuôi, theo ông Quang, cần cải tạo di truyền của đàn tôm sú và tôm thẻ chân trắng, theo hướng chống chịu tốt với dịch bệnh và thích ứng môi trường tại Việt Nam. Đồng thời, cần kiểm soát tốt nguồn thức ăn cho tôm bố mẹ.