Ngành vi mạch, điện tử liên kết để phát triển
Ngành công nghiệp điện tử và vi mạch Việt sẽ có bước phát triển vượt bậc |
Hiện thế giới đang bước vào kỷ nguyên 4.0 - nơi chứng kiến sự gia tăng không ngừng của những tiến bộ khoa học công nghệ mới như xe tự hành, điện toán đám mây, kết nối vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn và truyền thông không dây 5G...
Bắt nhịp với xu thế này trong quy hoạch công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030, tăng trưởng của ngành điện tử trong giai đoạn năm 2016-2020 đạt 17-18%/năm (thực tế tăng trưởng 23,8%); giai đoạn đến năm 2030 đạt 19-21%/năm. Giai đoạn năm 2020-2025, ưu tiên phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực như thiết bị tự động hóa, máy tính, điện thoại. Sau năm 2025, ưu tiên phát triển phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử y tế.
Mục tiêu là xây dựng ngành điện tử trở thành ngành công nghiệp chủ lực và tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành khác phát triển. Tuy nhiên, nhiều yếu tố khách quan đã dẫn đến thiếu hụt chip, vi mạch điện tử… trên toàn cầu khiến các nhà máy đang phải vật lộn chạy hết công suất để đáp ứng kịp các đơn đặt hàng.
Với tầm quan trọng của ngành công nghiệp điện tử và vi mạch, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi và cơ chế thông thoáng nhằm thu hút đầu tư và tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp còn khá non trẻ này.
Trước đó, để phát triển ngành điện tử và vi mạch, TP.HCM cũng đã thực hiện Đề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp vi mạch Việt giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong thời gian qua, đề án đã đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh, vi mạch Việt cần đi vào các hướng phát triển giá trị gia tăng, có tính đặc thù và gắn kết của các doanh nghiệp, đơn vị.
Hiện Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu do thiếu các đơn vị sản xuất có đủ năng lực sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Chúng ta chưa làm chủ được công nghệ do thiếu năng lực thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D).
Thấy được cơ hội trong khó khăn của việc thiếu hụt chip trên toàn cầu, ngành điện tử và vi mạch Việt đang từng bước mở cho mình hướng đi mới để phát triển mạnh hơn sau đại dịch. Đầu tháng 7 vừa qua, Công ty Điện Quang và Công ty Xelex đã ký kết hợp tác chiến lược để cho ra đời những sản phẩm mang thương hiệu “Make in Việt Nam”.
Theo đó, Điện Quang chủ động trang bị các dây chuyền sản xuất, sở hữu dây chuyền, máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa cao nhập khẩu từ các quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Đức phục vụ cho hoạt động R&D, thử nghiệm và sản xuất.
Tương tự, là một đơn vị chế tạo các thiết bị điện tử bảo mật chất lượng cao mang thương hiệu Việt Nam, Công ty cổ phần công nghệ Xelex đã làm chủ được toàn bộ công nghệ thiết kế, quy trình sản xuất và quy trình đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt chất lượng quốc tế.
Đặc biệt, đây là một trong 5 công ty trên thế giới được Tập đoàn Intel công nhận có đủ khả năng thiết kế dòng máy tính cao cấp chạy trên nền tảng hệ Chip mới nhất của Intel.
Theo ký kết, Công ty Điện Quang sẽ là đối tác chiến lược không những hợp tác sản xuất, mà còn cung cấp các thành phần linh kiện khác phục vụ cho các dòng sản phẩm máy tính bảng, laptop, máy server và các thiết bị điện tử của Xelex.
Sự kiện này đã mở ra nhiều kỳ vọng cho tương lai ngành công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông 5G Việt Nam nói chung và hai doanh nghiệp Xelex và Điện Quang nói riêng. Qua đó, hy vọng tương lai gần ngành công nghiệp điện tử và vi mạch Việt sẽ có bước phát triển vượt bậc.
Đánh giá về tầm quan trọng của việc ký kết cho ra đời chip “Make in Việt Nam”, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm tại Việt Nam cho biết, là doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện tử, Qualcomm coi Việt Nam là một trong những trọng điểm hợp tác đầu tư trong thời gian tới. Qualcomm sẽ hỗ trợ mục tiêu “Make in Việt Nam” thông qua việc hợp tác, chuyển giao công nghệ cho các đối tác, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực như Công ty Xelex.
Trước đó, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM nhấn mạnh, ngành vi mạch điện tử cần được thúc đẩy, quan tâm nhiều hơn. Các tập đoàn hàng đầu về chip đã thống lĩnh thị trường nhưng không phải vì thế mà doanh nghiệp Việt không nghiên cứu, sản xuất chip Việt để phục vụ nhu cầu an ninh và sản xuất.
“Đã đến lúc việc thiết kế sản xuất chip Việt phải đi vào phục vụ nhu cầu này. Có như vậy mới có được năng lực nghiên cứu, sản xuất để phục vụ những nhu cầu khai thác, sử dụng cho một số lĩnh vực riêng của chúng ta”, ông Dũng khuyến cáo.