Người dân hưởng lợi từ chuyển đổi số
Vì sao 11/5 được chọn là Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng? Bước tiến mới trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng Tiếp tục giữ vững ngọn cờ tiên phong trong chuyển đổi số |
Những nỗ lực chuẩn hóa, đồng bộ và “làm sạch” dữ liệu trên nguyên tắc “đúng - đủ - sạch - sống” mà các bộ, ngành đang nỗ lực triển khai chính là con đường tất yếu để hướng tới một nền kinh tế số mà ở đó người dân có được những thuận lợi, minh bạch, an toàn và yên tâm trong các giao dịch trong khi tiết giảm được chi phí.
Tài khoản giả mạo không còn, người dân sẽ yên tâm hơn
Tại Sự kiện CĐS ngành Ngân hàng năm 2023, ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng giám đốc VietinBank nhấn mạnh, việc làm sạch dữ liệu khách hàng là vô cùng cần thiết, mang lại lợi ích cho khách hàng và ngân hàng, cũng như rộng hơn là cả nền kinh tế. Bởi khi dữ liệu được làm sạch, cập nhật và chính xác sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, tổn thất tài chính của khách hàng, ngăn chặn rủi ro tội phạm hoặc lợi dụng tài khoản giả mạo để phạm tội. Trong khi đó với các ngân hàng, việc dọn dẹp được tài khoản rác, dữ liệu sạch giúp chăm sóc khách hàng tốt hơn; dòng tiền minh bạch hơn. Với nền kinh tế, khi người dân yên tâm để tiền trong tài khoản và thực hiện các giao dịch tài chính qua kênh số sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tiết kiệm nhiều chi phí.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục C06 - Bộ Công an |
Ông Trần Công Quỳnh Lân cho rằng, việc CCCD gắn chip, cùng với CSDLQGvDC đang được thúc đẩy mở ra cho các ngân hàng cách thức làm sạch dữ liệu nhanh, trên diện rộng, hiệu quả và chính xác. Người dân hoàn toàn có thể mở tài khoản ngân hàng từ ứng dụng VneID; hoặc có thể mở tài khoản qua CCCD gắn chip trên ứng dụng của ngân hàng. Các hình thức trên vừa giúp tiết giảm chi phí và thời gian của cả khách hàng và ngân hàng, vừa giảm thiểu công tác hậu kiểm (chấm điểm tín dụng, xác thực khách hàng trực tuyến, xác thực thông tin đa chiều...).
Tiếp cận từ góc độ cấp tín dụng, bà Nguyễn Kim Oanh - Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, việc kết nối dữ liệu giữa ngân hàng và CSDLQGvDC sẽ mang đến giải pháp hỗ trợ cho ngân hàng trong hoạt động cấp tín dụng trên môi trường điện tử, qua đó giúp nhiều người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng. Như tại Vietcombank, trên cơ sở đồng ý của khách hàng, Vietcombank đang thí điểm kết nối hệ thống với CSDLQGvDC để xác thực/định danh khách hàng qua VNeID và nghiên cứu ứng dụng Mô hình chấm điểm tín dụng công dân như là một yếu tố tham khảo trong thẩm định/phê duyệt các khoản cho vay tiêu dùng/phát hành thẻ tín dụng giá trị nhỏ cho khách hàng trên kênh ngân hàng số. Việc cấp tín dụng online ứng dụng dữ liệu từ CSDLQGvDC sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng như: Thời gian xử lý nhanh chóng; Giao dịch mọi lúc, mọi nơi; Có thể tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất thấp… “Với việc kết nối giữa ngân hàng và CSDLQGvDC, cơ hội chuyển đổi hoạt động cấp tín dụng cho các theo định hướng “Tích hợp dữ liệu - Phê duyệt tự động - Giải ngân online” là hiện hữu”, vị này nhận định.
CSDLQGvDC là động lực thúc đẩy CĐS
Theo Đại tá Vũ Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an, sau hơn 1 năm triển khai Đề án 06, đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp, 63 địa phương phục vụ việc khai thác, sử dụng thông tin dân cư phục vụ xây dựng Chính phủ số; hoàn thành 4 Nghị định và 4 Thông tư, đặc biệt là Nghị định số 59 ngày 5/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử - là căn cứ để giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cơ sở pháp lý để kết nối, chia sẻ, xây dựng dữ liệu dùng chung; đã hoàn thành cấp hơn 80 triệu thẻ CCCD và đang phấn đấu hết quý II/2023 là 40 triệu tài khoản định danh điện tử…
Nhấn mạnh ngành Ngân hàng là “huyết mạch” của nền kinh tế số và đề cập cụ thể đến Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN để triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ của Đề án 06, ông Vũ Văn Tấn cho biết, ngành Ngân hàng đã tập trung làm sạch dữ liệu cho khách hàng đảm bảo xác minh danh tính khách hàng, tới đây (phấn đấu đến tháng 6/2023), tập trung hoàn thành làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia và các TCTD, đảm bảo 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với CSDLQGvDC.
“Chúng tôi đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ xác thực thẻ CCCD phục vụ ngành Ngân hàng và bước đầu triển khai. Tại gian hàng triển lãm ngày hôm nay, các đơn vị như: Vietcombank, VietinBank, Techcombank, Epay… đều ứng dụng giải pháp xác thực thẻ CCCD từ Bộ Công an, qua đó tiết kiệm chi phí quản lý, tối ưu hệ thống, số hóa dữ liệu, tạo lập quy trình điện tử toàn diện, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Các giải pháp đã triển khai là rất hiệu quả, thiết thực, vì vậy đề nghị ngành Ngân hàng nghiên cứu, ứng dụng, triển khai để đem lại tiện ích cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy CĐS”, ông Tấn cho biết.
Phó Cục trưởng Cục C06 cũng thông tin về một số giải pháp, sản phẩm, dịch vụ Bộ Công an sẽ triển khai để thúc đẩy CĐS ngành Ngân hàng. Trong đó, Bộ Công an đang hoàn thiện giải pháp để cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư để tạo thêm kênh thông tin tham khảo cho các tổ chức tài chính - ngân hàng đánh giá hiệu quả trước khi giải ngân các khoản tín dụng, nhất là các khoản tín dụng nhỏ giải ngân nhanh để giảm thiểu tín dụng đen.
Với nhóm nhiệm vụ ứng dụng tài khoản định danh điện tử (VneID), Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đang phối hợp với 5 ngân hàng (BIDV, Vietcombank, VietinBank, PvcomBank, VIB) triển khai thí điểm giải pháp định danh, xác thực khách hàng trực tuyến thông qua ứng dụng VneID để tiến tới cung cấp toàn bộ dịch vụ xác thực thông tin công dân phục vụ nghiệp vụ của ngành Ngân hàng. Ngoài ra, định đanh diện tử còn tích hợp các công cụ số khác như chữ ký số, sim thuê bao, ví điện tử, hợp đồng điện tử… qua đó từng bước hoàn thiện hệ sinh thái công dân số.
“Như vậy, với nền tảng dữ liệu dân cư, CCCD, định danh điện tử và nhóm nhiệm vụ của Đề án 06 (11 nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch phối hợp số 01), cùng với tinh thần quyết tâm chính trị cao nhất, tôi tin tưởng sẽ từng bước thúc đẩy ngành Ngân hàng ngày càng phát triển, phòng ngừa tội phạm, thúc đẩy nền Kinh tế số”, Đại tá Vũ Văn Tấn khẳng định.