Người giữ hồn làng Việt
Cuộc sống hiện đại đang từng ngày bị cuốn trôi theo dòng chảy của sự phát triển và công nghệ hóa. Con người ngày nay, đặc biệt là lớp trẻ, thích nghi rất nhanh với những xu thế thay đổi chóng mặt. Song từ thẳm sâu nơi tiềm thức, mỗi người chúng ta vẫn đều có những khoảng lặng bình yên để hướng về. Đó là quê hương bản quán, đó là gốc gác văn hóa của mỗi người.
Tuy nhiên nhận thức về những giá trị lịch sử của các thế hệ về sau này, kể cả những lớp thanh niên sinh ra và lớn lên từ những cộng đồng, từ “làng” đang dần bị phai mờ. Nhiều truyền thống cùng những giá trị tốt đẹp từ “làng” vì thế cũng đang dần mai một theo…
Đơn cử chuyện về các vị tiên chỉ trong làng, không phải ai cũng hiểu rõ được tường tận các thứ bậc, vai vế của các vị trí, chức sắc để từ đó mà trân quý hơn nguồn cội, làm đầy hơn vốn sống của mình.
Trong không gian sống của làng, cấu trúc thứ bậc và vai vế của những cá nhân cấu thành nên hội đồng quản lý, không chỉ làm chủ lễ tế mà còn có trách nhiệm gìn giữ những quy ước từ xa xưa. Các vị “tiên chỉ”, người được dân làng suy tôn, là người đảm nhiệm trọng trách truyền thừa nét văn hóa ấy.
Theo từ điển, Tiên chỉ “chỉ người đứng đầu ngôi thứ trong làng thời phong kiến, thường được cử làm chủ các cuộc tế lễ, hương ẩm”. Còn trong sách “Việt Nam văn hóa sử cương”, tác giả Đào Duy Anh đã viết: “Những việc làng đã bàn định thì có viên chức thi hành. Trên hết có một người tiên chỉ và một người thứ chỉ.”
Khi làng hình thành lệ làng (tức luật tục), cụ tiên chỉ lập tức được bầu ra. Thường là người có danh vọng, được dân làng suy tôn. Điều này khác hoàn toàn với các ông lý trưởng hay ông phó lý, những quan chức có trách nhiệm quản lý hành chính do chính quyền bổ nhiệm.
Cũng theo học giả Đào Duy Anh: “Tiên thứ chỉ thường là những người hưu quan trí sĩ, hoặc người nhất ở trong làng về khoa mục chức sắc, nếu không thì người kỳ cựu lớn tuổi. Tiên thứ chỉ có quyền quyết đoán mọi việc, và việc gì cũng tất phải hỏi đến tiên thứ chỉ cả”. Như vậy có thể hiểu dù xuất thân là gì đi nữa thì tiên chỉ bao giờ cũng là những người “đức cao vọng trọng”, có trình độ hiểu biết, có lối sống mẫu mực, được dân làng tín nhiệm bình chọn.
Mỗi năm hai lần (Xuân Thu nhị kỳ), cụ tiên chỉ trước sau bận rộn, chủ trì các cuộc tế lễ theo phong tục của làng. Một kỳ lễ vào mùa Xuân: tế để cầu may; và một kỳ mùa Thu: tế Vu Lan tri ân song thân phụ mẫu. Cụ tiên chỉ đảm nhận nhiệm vụ cầm trịch tế lễ trong làng… Bên cạnh đó, tất cả “lệ làng” cũng đều do cụ tiên chỉ chịu trách nhiệm duy trì. Khi có việc sai phạm, tộc trưởng sẽ báo cáo lên tiên chỉ. Cụ tiên chỉ mời người vi phạm lên và “chỉ dẫn”, không phải để “phạt giết”. Các cụ ngày xưa không ưa “phạt giết”, chỉ hướng tới răn dạy làm đầu. Nếu trong làng có những việc vi phạm đạo đức, ảnh hưởng luân lý, như trường hợp người phụ nữ không may mang thai mà chưa kết hôn, cụ tiên chỉ cũng là người có trách nhiệm can thiệp.
Tiên chỉ là người có chức vị cao nhất về mặt tế lễ, hương ẩm trong dân làng |
Vì vậy, tiên chỉ tuy không hẳn là chức vụ nhà nước, không lương bổng, nhưng lại được dân tôn trọng hết mực, có tiếng nói lớn trong làng. Cụ tiên chỉ cũng là người duy nhất trong làng có quyền đến mức có thể sa thải lý trưởng nếu làm không tốt. Giả sử trong làng có 43 họ, tương ứng 43 ông tộc trưởng, cụ tiên chỉ sẽ là người quản lý tất cả các ông tộc trưởng đó. Tiên chỉ có thể phạt vạ những người vi phạm quy ước, quy định của làng.
Khi cụ tiên chỉ khuất núi, dân làng sẽ cùng xem xét để chọn người thay thế. Do vai tiên chỉ thường được chọn từ dòng dõi, nên dòng dõi của cụ tiên chỉ sẽ là điều đầu tiên được xét đến. Trong số con cháu trong họ, người nào có đạo đức, danh giá và uy tín, sẽ tiếp tục được suy tôn làm tiên chỉ kế cận. Nhiều gia đình có người làm tiên chỉ qua ba đời và vẫn giữ được uy tín cao.
Với vai trò, trách nhiệm và cách lựa chọn như vậy, tiên chỉ được xem là “người giữ hồn làng” trong các làng Việt từ xưa đến nay. Và cũng chính vì vậy mà đến nay, ở nhiều địa phương, nếp văn hóa làng xưa cũ vẫn chưa mai một, thì công rất lớn phải kể đến là nhờ vào các bậc tiên chỉ.
Tác giả (trái) cùng một người bác lớn tuổi trong làng đang chia sẻ những câu chuyện về “làng” xưa kia |
Nhắc chuyện xưa để nghĩ chuyện nay. Trong sự biến thiên của đời sống xã hội, vai trò tiên chỉ ở các làng xã ngày nay ít được nhắc đến. Những khái niệm trên chỉ còn là tương đối, phụ thuộc nhiều vào trạng thái và nhận thức ở mỗi nơi. Song với mỗi người trẻ, nếu hiểu và biết giữ ý thức về cội nguồn, về cộng đồng, thì những chuyện của “làng”, giống như chuyện “ông tiên chỉ” trên đây, mà đằng sau nó là cả một trầm tích văn hoá trong sự phát triển của xã hội, sẽ là công cuộc chọn lọc, là kết tinh những tiếp biến của đời sống rất phong phú. “Đi đến tận cùng dân tộc ta sẽ gặp nhân loại”. Theo cách ấy, có thể hiểu phiên sang, đi đến tận cùng nguồn cội, ta sẽ gặp chính ta với sự lắng lại, tĩnh tại trong cuộc sống hiện đại gấp gáp hôm nay…