Người khuyết tật được cấp bằng lái ô tô
Ảnh minh họa |
Vấn đề này đang được dư luận quan tâm, bởi không chỉ tạo sự bình đẳng giữa người khuyết tật với người bình thường mà còn ở tính khả thi. Vậy có phải người khuyết tật nào cũng có thể sở hữu bằng lái ô tô?
Thực tế cho thấy, người khuyết tật cũng có nhiều kiểu và cũng có trường hợp khuyết tật bẩm sinh hoặc trong quá trình lao động, sản xuất, tham gia giao thông... gặp tai nạn bất ngờ. Có người bị hư một mắt, thiếu một ngón tay, chân nhưng tâm thần bình thường, sức khỏe đảm bảo... nên họ có thể làm các công việc như người bình thường.
Cũng chính vì thế, thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan hữu quan nên có một quy định cụ thể, có cách phân loại người khuyết tật để đối tượng này được hưởng những quyền lợi mà bản thân họ kiểm soát được, trong đó có việc được sử dụng và lái xe ô tô.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ. Cụ thể, tại khoản 2, điều 43, Thông tư 12 về đào tạo lái xe quy định: Đào tạo để cấp GPLX hạng B1 số tự động cho người khuyết tật có đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo. Theo đó, người khuyết tật phải đáp ứng yêu cầu về sức khỏe được quy định tại Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT về tiêu chuẩn sức khỏe đối với người lái xe do liên Bộ GTVT - Y tế ban hành.
Dù là đối tượng đặc thù nhưng theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, người học phải có đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định, phải đăng ký học tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo, phải học đủ thời gian, nội dung chương trình đào tạo theo quy định...
Để đủ điều kiện tham gia thi GPLX hạng B1, người khuyết tật cũng phải trải qua các bước khám sức khỏe, quy định về sức khoẻ không cho phép những trường hợp rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 6 tháng; rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi; chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý; thị lực nhìn xa hai mắt dưới 5/10; rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh lá cây; suy tim độ III trở lên; các bệnh, tật gây khó thở không được điều khiển xe ô tô.
Bên cạnh đó, những người bị cụt hoặc mất chức năng một bàn tay, một bàn chân, một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng) cũng không được phép lái xe.
Thiết nghĩ, các quy định trên là cần thiết để không tạo ra tiền lệ xấu hoặc cơ chế đặc thù, đồng thời mở ra những cơ hội mới đối với người khuyết tật nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn cơ quan chức năng đã đề ra.