Người nuôi lợn khó có lãi
Trong những ngày gần đây, tại nhiều tỉnh thành, giá lợn hơi tiếp tục tăng, đưa mặt bằng giao dịch trong khoảng 50.000 - 55.000 đồng/kg. Ngày 17/1, giá lợn hơi tại Bình Phước cũng tăng lên 50.000 đồng/kg; tại Đồng Tháp và Bình Dương tăng lên 52.000 đồng/kg, đưa giá lợn hơi khu vực miền Nam đang dao động trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg. Tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP. HCM), giá lợn mảnh tăng mạnh từ mấy ngày nay, kéo giá lợn mảnh loại một dao động từ 68.000 - 72.000 đồng/kg, giá trung bình trong khoảng 64.000 - 66.000 đồng/kg; tuy nhiên có lúc giá xuống còn khoảng 58.000 - 60.000 đồng/kg.
Người nuôi lợn có thể lỗ trong dịp Tết Nguyên đán |
Trong thời gian qua, giá thức ăn và nhiều chi phí đầu vào phục vụ chăn nuôi tăng cao và nhiều loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, kéo theo nhiều nguy cơ rủi ro cho người chăn nuôi. Ðặc biệt, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ nhiều loại thịt giảm, nên không chỉ giá lợn hơi và nhiều loại gia súc khác cũng bị kéo xuống. Người chăn nuôi không có lời mà còn lỗ nặng. Các chuyên gia cũng nhận định, nhiều khả năng giá lợn hơi sẽ còn giảm hoặc duy trì ở mức thấp trong dịp Tết Nguyên đán và quý I/2022. Hiện đã sát Tết Nguyên đán, giá lợn trong những ngày gần đây đã tăng nhưng chỉ tăng nhẹ bởi “cầu” quá yếu. Tình hình dịch bệnh khiến đầu ra của thịt lợn không ổn định.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá lợn hơi ở địa phương dao động trong khoảng từ 53.000 - 55.000 đồng/kg. Những ngày gần đây, thời điểm gần Tết, giá lợn hơi đang được điều chỉnh tăng theo ngày, vì vậy các thương lái cũng tăng gom hàng hơn. Giá lợn hơi tăng nhưng không thể đạt đến mức giá 80.000 đồng/kg như năm ngoái. Và với mức giá trên thì người chăn nuôi theo quy mô công nghiệp mới chỉ hòa vốn, chứ chưa được lãi. Còn người chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn có thể lỗ. Trong bối cảnh hiện nay, người nông dân không thể tái đàn vì sẽ lỗ và nhiều hộ chăn nuôi phải giảm quy mô để tồn tại.
Trước thực tế này, các ngành chức năng cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời để sản phẩm chăn nuôi được tiêu thụ với mức giá phù hợp và người nông dân có thể tiếp tục đầu tư tái sản xuất. Qua đó, đảm bảo đời sống người chăn nuôi và giúp ổn định, phát triển ngành chăn nuôi trong nước, đảm bảo vững chắc nguồn cung thực phẩm tại chỗ.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhu cầu tiêu thụ thịt lợn vào dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng nhưng không bằng các năm trước vì thu nhập người dân chưa phục hồi. Do đó, giá lợn hơi dịp Tết Nguyên đán sẽ ở mức hài hòa giữa 3 khâu sản xuất - lưu thông - tiêu dùng. Đơn vị này cũng nhận định, sẽ rất khó có đột biến giá xảy ra, bởi hiện các doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng 5,5 triệu con lợn trong dịp Tết. Chưa kể, giá lợn hơi thời điểm sau Tết Nguyên đán sẽ giảm nhẹ vì nhu cầu tiêu thụ giảm. Với dự báo mức giá trên, những hộ nông dân nhỏ lẻ đã hòa vốn và có lãi nhẹ.
Cũng vậy, nhận định về giá cả thịt lợn, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết hàng năm giá lợn hơi thường tăng dần từ thời điểm cuối tháng 11 đến trước Tết Nguyên đán do các công ty chế biến tăng cường thu mua, chuẩn bị cho đợt hàng phục vụ dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay, giá lợn hơi những ngày qua biến động không đáng kể. Hiện, dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương, phần lớn cơ sở chăn nuôi đang chịu lỗ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, phải hết quý I/2022 khi nguồn cung lợn hơi giảm bớt thì lúc đó giá lợn mới có thể tăng ở mức người chăn nuôi có lãi. "Nếu dịch bệnh được kiểm soát thì lượng tiêu thụ mới có thể tăng mạnh trở lại. Điều này giúp ngành chăn nuôi bền vững hơn", đại diện Bộ Công thương cho biết.