Người trẻ quản lý tài chính cá nhân trong thời đại công nghệ số
Toạ đàm “Người trẻ và quản lý tài chính cá nhân trong thời đại công nghệ số” |
Tài chính số - "trợ lý tài chính thông minh" của giới trẻ
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS. TS Nguyễn Thanh Phương – Phó Giám đốc HVNH cho biết, đối với mỗi cá nhân, đặc biệt là người trẻ muốn làm chủ cuộc sống của mình cần phải hiểu biết và thực hiện tốt quản lý tài chính của cá nhân và gia đình mình. Qua đó, sẽ giúp mỗi cá nhân, gia đình đạt được tự do tài chính, chủ động tài chính, nâng cao mức sống và tạo tiền đề vững chắc cho tương lai.
Mô hình quản lý thu nhập phổ biến hiện nay chia thu nhập thành 6 phần. Mỗi phần trích một tỉ lệ nhất định, gồm: chi tiêu thường xuyên, từ thiện, đào tạo nâng cao giá trị bản thân, vui chơi giải trí - hưởng thụ, tiết kiệm cho tiêu dùng dài hạn, tự do tài chính - đầu tư, bảo hiểm.
PGS. TS Nguyễn Thanh Phương nhấn mạnh, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng xu hướng chuyển đổi số đã và đang thay đổi mọi mặt hoạt động của lĩnh vực dịch vụ tài chính trên thế giới. Các công nghệ hiện đại, đột phá như điện toán đám mây, dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), Internet vạn vật, sinh trắc học, công nghệ thực tế ảo… ngày càng được ứng dụng rộng rãi, góp phần đa dạng và hiện đại hoá dịch vụ tài chính, tăng năng suất và chất lượng hoạt động của hệ thống tài chính. Từ góc độ người tiêu dùng, tài chính số được coi là “trợ lý tài chính thông minh”, giúp mọi người học nhanh hơn kĩ năng quản lý tài chính cá nhân cũng như có nhiều công cụ hỗ trợ hơn cho việc phân tích, xác định mục tiêu tài chính, lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch tài chính một cách thuận lợi và hiệu quả.
Những người trẻ hiện nay là thế hệ được tiếp cận công nghệ hiện đại từ rất sớm, có tư duy phóng khoáng và có nhận thức sớm về tài chính. Đối với thế hệ trẻ, việc trang bị cho bản thân kĩ năng quản lý tài chính cá nhân để có được nguồn tài chính ổn định, lâu dài, tránh được những rủi ro do tác động bên ngoài là rất cần thiết.
Chia sẻ tại tọa đàm, ThS. Kim Lan Anh- Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông- NHNN cho biết, trên thế giới, chính phủ các quốc gia đều xác định toàn dân là đối tượng mục tiêu của chiến lược giáo dục tài chính quốc gia. Đồng thời, các quốc gia cũng xác định những nhóm đối tượng ưu tiên cụ thể. Trong đó, thế hệ trẻ (thanh thiếu niên) thường là nhóm đối tượng ưu tiên của đa số các quốc gia thực thi Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.
Hiện nay, NHNN Việt Nam là đơn vị được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ điều phối chung Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt được một số chỉ tiêu, trong đó 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030; it nhất 25% - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng. Trong đó, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% - 25% hàng năm và khoảng 70% người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của NHNN Việt Nam.
“Vì vậy, để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, truyền thông giáo dục tài chính đóng một vai trò quan trọng’’- bà Kim Lan Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, truyền thông giáo dục tài chính còn góp phần thúc đẩy việc thực hiện các Đề án của Chính phủ như nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025; đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Đặc biệt, góp phần giúp nâng cao nhận thức của công chúng về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, đẩy lùi tín dụng đen…
Trao đổi câu chuyện về vấn đề quản lí tài chính đối với người trẻ, bà Kim Lan Anh dẫn chứng giới trẻ nói chung, sinh viên nói riêng, việc cắm thẻ sinh viên, chứng minh thư nhân dân để vay nóng tiền, rồi trả lãi cao vì rơi vào bẫy tín dụng đen… là những câu chuyện không hề hiếm gặp.
Vì vậy, nếu được nâng cao nhận thức, hiểu biết về tài chính - ngân hàng, giới trẻ, sinh viên sẽ tránh được các loại "bẫy" tín dụng đen. Ngoài ra, các bạn trẻ cũng sẽ có thể giảm thiểu được rủi ro khi sử dụng các dịch vụ thanh toán như Internet Banking, Mobile Banking…
Thời gian qua, NHNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục tài chính với các hình thức sáng tạo, phong phú và đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng mục tiêu như trẻ em, học sinh, sinh viên, người trưởng thành…, nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Một số chương trình như “Tiền khéo tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa” được công chúng đánh giá cao về nội dung, ý nghĩa và có sức lan tỏa lớn.
Để người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính
Chia sẻ câu chuyện về người trẻ quản lý tài chính, TS. Phạm Bảo Khánh - Thành viên HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thông tin thú vị về thế hệ Gen Z, đó là những người sinh từ 1997 đến 2012. Năm 2025, nhóm này sẽ chiếm gần 1/3 dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam, Gen Z mang những điểm khác biệt với thế hệ trước như đây sẽ là những “thổ dân” kỹ thuật số với cá tính, thích thể hiện bản thân, đươc tiếp cận khối lượng thông tin khổng lồ và sẵn sàng tham khảo chéo nhiều nguồn thông tin, tích hợp giữa trải nghiệm ảo với trải nghiệm trực tiếp. Lời khuyên hữu ích mà TS. Phạm Bảo Khánh dành cho các bạn trẻ “Hãy tiết kiệm sớm – Thời gian đang ủng hộ các bạn”.
Thông tin về giáo dục tài chính và tài chính toàn diện tại Việt Nam trong thời gian qua, TS. Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng nhấn mạnh đến việc mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.
Trong đó sẽ phổ cập các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, bao gồm: thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm do các tổ chức được cấp phép cung ứng. Đặc biệt sẽ ưu tiên các nhóm đối tượng như: người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác, DNNVV.
“Trong thời gian tới, NHNN sẽ tăng cường kiến thức, kĩ năng quản lí tài chính, nâng cao hiểu biết về sản phẩm, dịch vụ tài chinh của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xây dựng khuôn khổ pháp lý về bảo vệ tiêu dùng tài chính’ - TS. Phạm Minh Tú cho hay.