Người vay "được nhờ" khi lãi suất cho vay tiếp đà giảm
Lãi suất cho vay tiếp đà giảm, người vay được "nhờ" |
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã quyết định giảm đồng loạt lãi suất tiền vay cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng trong thời gian 3 tháng, tính từ ngày 22/2 - 22/5.
Theo đó, khách hàng cá nhân sẽ được ngân hàng này giảm lãi suất 0,2%/năm để vay vốn sản xuất kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch. Đối với khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực mức độ mạnh bởi dịch Covid-19; giảm tới 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng còn lại bị ảnh hưởng bởi dịch.
Cùng với đó, chia sẻ với báo chí, ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, trong năm nay, ngân hàng sẽ chủ động làm việc với khách hàng doanh nghiệp, người dân để đánh giá tác động của dịch bệnh, từ đây đưa ra các giải pháp phù hợp với từng khách hàng, nhóm khách hàng, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh.
"Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp, chương trình hỗ trợ khách hàng như điều hành lãi suất cho vay, phí dịch vụ ở mức hợp lý để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân", ông Lê Đức Thọ nói.
Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) đã triển khai chương trình "Chung tay cùng Doanh nghiệp 2021" và "Gắn Kết Doanh Nghiệp Xuất Nhập Khẩu 2021" giúp doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn lưu chuyển cho sản xuất, tạo đà tăng tốc hoạt động kinh doanh cho cả năm 2021 thuận lợi.
Cụ thể, khách hàng mới, có tài khoản thanh toán mở mới trong năm 2021 hoặc khách hàng hiện hữu được Vietbank cho vay ưu đãi với lãi suất 6,8% một năm (Việt Nam đồng). Riêng mục đích giải ngân phục vụ sản xuất hoặc kinh doanh xuất nhập khẩu, khách hàng hưởng lãi suất từ 6,5% một năm (Việt Nam đồng) và 3% một năm (Đô la Mỹ). Đồng thời, doanh nghiệp được miễn phí trả nợ trước hạn và giảm 50% phí thanh toán quốc tế. Chương trình kéo dài từ nay đến ngày 30/6.
Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm không ngừng gia tăng, một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ, tìm đến dịch vụ vay mua sắm tiêu dùng sau Tết ngày càng nhiều. Vì vậy, các ngân hàng và công ty tài chính đã liên tục triển khai các chương trình kích cầu tín dụng tiêu dùng, giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản với lãi suất thấp.
Đơn cử, BIDV đưa ra gói vay 50.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 7%/năm trong 6 tháng đầu và cộng thêm biên độ 0,5-2%/năm sau thời gian ưu đãi dành cho khách hàng vay mua nhà, mua xe, tiêu dùng cá nhân vào giai đoạn đầu năm 2021.
Không chỉ riêng lãi suất của các ngân hàng trên đà giảm, theo báo cáo hoạt động mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND có xu hướng giảm so với cùng thời điểm này năm 2020 và cuối năm 2019. Hiện đối với các lĩnh vực sản xuất, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND phổ biến ở mức 3-4,5%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến 4,2-6%/năm.
Đánh giá về mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới, phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng cho thấy, đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam những ngày gần đây có thể khiến cầu tín dụng yếu đi, lãi suất sẽ vẫn duy trì ở vùng thấp hiện tại và có thể còn giảm thêm nếu dịch bệnh phức tạp hơn. Ðồng quan điểm này, Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2021 của Công ty Chứng khoán ngân hàng Vietcombank phân tích, hiện chưa có áp lực nào đủ lớn khiến lãi suất có thể tăng trở lại. Lãi suất huy động có thể tiếp tục giảm, sau đó ổn định ở mặt bằng thấp.
Song hành với diễn biến giảm lãi suất cho vay trên thị trường, trong tuần qua Ngân hàng Nhà nước đã quay trở lại hút ròng vốn trên thị trường với doanh số 8.529 tỉ đồng kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,5% trên kênh thị trường mở, thay vì thực hiện các biện pháp hỗ trợ vốn trong những ngày trước đó.
Vì vậy, báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, "Sau khi kỳ nghỉ lễ và nhu cầu chi trả thanh toán mang tính thời vụ qua đi, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã quay lại trạng thái dồi dào, giúp cho Ngân hàng Nhà nước không cần có các động thái can thiệp như thời điểm trước Tết Nguyên đán".
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, năm 2021, nền kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế dự báo sẽ phục hồi nhanh, đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao, khoảng 6,7%-6,8%... Khi đó, nhu cầu về vốn của nền kinh tế, doanh nghiệp sẽ tăng lên; nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng sẽ tăng lên, đẩy mặt bằng lãi suất tăng theo.
"Tuy nhiên, định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước là giữ mặt bằng lãi suất ổn định, để nhằm vừa ổn định vĩ mô, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, nên mặt bằng lãi suất sẽ chỉ nhích nhẹ và có thể chỉ ở từng thời điểm", chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nói.