Nguồn cải cách tiền lương đã được chuẩn bị cho cả giai đoạn 2024 - 2026
Cải cách lương cơ sở trước, sau đó sẽ có lộ trình cải cách tiền lương Bộ Tài chính: Xây dựng lộ trình cải cách tiền lương hiệu quả, tránh thất thoát |
Toàn cảnh Họp báo |
Trả lời câu hỏi phóng viên báo chí liên quan đến vấn đề về lấy phiếu tín nhiệm rồi kê khai tài sản tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng ban Công tác đại biểu cho biết, với kê khai tài sản theo quy định của Nghị quyết 96, đến thời điểm hiện tại Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã nhận được đầy đủ tất cả các báo cáo của người có liên quan được lấy phiếu tín nhiệm trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Theo quy định các báo cáo sẽ được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội trước 20 ngày. Đến thời điểm hiện tại đã được gửi đầy đủ đến tất cả các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu và cho ý kiến.
Về vấn đề công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, theo quy định của Nghị quyết 96, toàn bộ các thông tin về kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về công nhận kết quả lấy phiếu, Văn phòng Quốc hội sẽ công bố chính thức các thông tin để các cơ quan báo chí cũng như cử tri và người dân biết, theo dõi.
Đối với lý do Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm ngay từ đầu phiên họp, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, thực ra đánh giá công tác cán bộ và lấy phiếu chúng ta đánh giá suốt từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Nên việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đầu kỳ cũng là việc bình thường.
Về danh sách rà soát lấy phiếu tín nhiệm, theo quy định từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã phê chuẩn và bầu là 50 vị trí, đến thời điểm hiện tại có 49 vị trí đang giữ các cương vị và sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh này. Các chức danh không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm gồm những đồng chí đã có thông báo nghỉ hưu, chờ nghỉ hưu và có những trường hợp liên quan đến bầu, được bầu, bổ nhiệm trong năm 2023 vì chưa đủ thời gian để đánh giá.
Trả lời báo chí các nội dung liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương, ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Ủy ban thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, vấn đề cải cách tiền lương đã được báo chí cũng như dư luận rất quan tâm. Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thảo luận và ban hành nghị quyết của phiên họp này, trong phiên họp đã có nghị quyết về vấn đề trình Quốc hội về tiến độ cải cách tiền lương.
Theo kết luận của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 thì lộ trình thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024. Với tinh thần quan điểm là thực hiện đủ cả 6 nội dung của Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách tiền lương. Trong đó có nội dung thứ nhất là xây dựng 5 bảng lương mới thay thế cho các bảng lương hiện nay, bao gồm: bảng lương và chức danh lãnh đạo từ trung ương cho đến cơ sở; bảng lương về chuyên môn nghiệp vụ và ba bảng lương của lực lượng vũ trang.
Thứ hai là sắp xếp, thu gọn các chế độ phụ cấp so với hiện nay.
Thứ ba là chế độ tiền thưởng sẽ bằng 10% quỹ tiền lương cơ bản, không bao gồm phần phụ cấp.
Thứ tư là chế độ nâng bậc lương.
Thứ năm là nguồn kinh phí để thực hiện chế độ tiền lương và thứ sáu là quản lý tiền lương và thu nhập.
Vấn đề quan trọng nhất trong 6 nội dung này là vấn đề nguồn kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương. Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Hội nghị Trung ương là nguồn cải cách tiền lương đã được chuẩn bị sẵn sàng cho cả giai đoạn suốt từ 2024 đến 2026.
Một vấn đề nữa liên quan đến cải cách tiền lương là sau năm 2024, tức là từ 2025 trở đi thì vẫn có việc thực hiện lộ trình tăng lương từ 5 đến khoảng 7% để đảm bảo mức lương phù hợp, tiệm cận với mức lương của khu vực một, của vùng một của khu vực thị trường.
Trả lời câu hỏi về việc chưa trình Quốc hội các chính sách liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, ông Vũ Tuấn Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, các nội dung này đã được Chính phủ trình UBTVQH để Quốc hội xem xét, áp dụng từ năm 2024.
Dự kiến từ năm 2024, chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được nhiều nước áp dụng đối với những doanh nghiệp thuộc diện chịu tác động. Do đó, Việt Nam cần ban hành văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp thuộc diện điều chỉnh, thay vì để họ nộp thuế thu nhập bổ sung tại nước có công ty mẹ.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, hai dự thảo Nghị quyết đã được Chính phủ trình UBTVQH xem xét tại kỳ họp tháng 9. Tại phiên họp tháng 10, Chính phủ đã trình lần 2 dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
“Đây là chính sách quan trọng, chưa có tiền lệ, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng thận trọng, thấu đáo, toàn diện, để đảm bảo mục tiêu giữ quyền đánh thuế của Việt Nam, giữ chân các nhà đầu tư cũ, thu hút nhà đầu tư mới, đồng thời cũng đảm bảo không vi phạm nguyên tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, không làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư của Việt Nam”, đại diện Ủy ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trước băn khoăn các tập đoàn sẽ phải nộp thuế theo chính sách mới từ năm 2024, ông Vũ Tuấn Anh giải thích, theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, thời hạn kê khai thuế thu nhập doanh bổ sung là 12 tháng, tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu là 18 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính. Như vậy, việc nộp thuế bổ sung tại nước mẹ của các tập đoàn không phải từ 1/1/2024, mà nếu có nộp thì cũng phải từ năm 2025.
Do vậy, hai dự án này chưa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 để tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực tế trong nước, tình hình thực hiện ở các nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. UBTVQH đã giao Chính phủ hoàn thiện 2 dự án để trình UBVTQH, Quốc hội xem xét, quyết định tại thời điểm thích hợp, đáp ứng được yêu cầu các cam kết quốc tế và phù hợp tình hình trong nước.