Nguồn tài nguyên lớn nhất hiện nay không còn là dầu mỏ mà là dữ liệu
Quang cảnh Tọa đàm: "Khai mở tiềm năng dữ liệu số - Từ tầm nhìn đến thực thi". |
Cùng nhau tiếp cận dữ liệu
Theo ông Hoàng Trọng Tôn, các doanh nghiệp hàng đầu thế giới hiện nay như Google, Amazon hay Facebook đều là những công ty sở hữu nguồn dữ liệu khổng lồ.
Báo cáo mới nhất của Gartner cho biết, đến năm 2026, hơn 25% giám đốc dữ liệu của các tập đoàn lớn thuộc Fortune 500 sẽ đảm nhiệm ít nhất một sản phẩm dựa trên dữ liệu và phân tích dữ liệu tạo ra dòng doanh thu chính. Tại thời điểm đó, 20% các doanh nghiệp lớn sẽ sử dụng một platform cho việc hợp nhất và tự động hóa quá trình quản trị dữ liệu rời rạc.
Xét trên góc độ doanh nghiệp, điều hành dựa trên dữ liệu tập trung vào câu hỏi: Mục tiêu sử dụng dữ liệu để làm gì.
Do đó, doanh nghiệp cần tập trung vào trải nghiệm của khách hàng. Đây là yếu tố quyết định để giữ chân khách hàng, tăng lượng khách hàng và từ đó tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể dựa vài dữ liệu để sáng tạo ra mô hình kinh doanh mới, tối ưu hóa quy trình vận hành dựa trên dữ liệu.
Ông Hoàng Trọng Tôn cho rằng, nhìn chung, dữ liệu cần được phát triển một cách bền vưng chứ không thể chỉ trong một thời gian ngắn. Để đạt được yêu cầu đó, các doanh nghiệp cần có một bộ công cụ tích hợp, chuẩn bị dữ liệu một cách hiệu quả.
Hiện tất cả các doanh nghiệp đều nhận thấy vai trò quan trọng của dữ liệu nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để khai thác dữ liệu một cách hiệu quả nhất. Các doanh nghiệp đứng đầu trên thế giới hiện nay đều là các doanh nghiệp công nghệ. Họ thu thập và khai thác dữ liệu rất tốt.
Ở Việt Nam, các ngân hàng đều xây dựng các chiến lược khai thác dữ liệu, phát triển thêm các hệ thống data, AI để ra quyết định.
Theo ông Hoàng Trọng Tôn, với doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên có cách tiếp cận khác, có thể tận dụng những thành tựu có sẵn, sử dụng những usekey nhỏ như eKYC, giúp giải quyết tất cả các quy trình định dạng. Từ đó, doanh nghiệp có thể triển khai những dư liệu lớn hơn. Bản thân các doanh nghiệp nhỏ với lượng dữ liệu nhỏ có thể chưa đủ để xây dựng nền tảng AI.
Dữ liệu giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Chuyển đổi số không phải là câu chuyện riêng, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể đi được một mình thì có thể đi thành nhóm, tham gia các Hội cùng tiếp cận dữ liệu, tiêu thụ dữ liệu chứ không cần thiết phải đầu tư riêng.
Cần xây dựng một hệ sinh thái dữ liệu phong phú
Ông Nguyễn Trọng Khánh - Trưởng Phòng hạ tầng và dữ liệu số, Cục chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông): Theo quan điểm của cá nhân tôi, cần phải đặt mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái dữ liệu phong phú, đầy đủ sao cho cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đều có thể tiếp cận, từ đó hướng đến chính phủ số.
Nhưng trong quá trình thực hiện, sẽ nảy sinh nhiều thách thức, khó khăn. Ví dụ, liệu các bên có sẵn sàng chia sẻ dữ liệu hay không, vấn đề bảo mật cá nhân như thế nào, hay nguồn lực, chi phí…đó là còn chưa tính đến lợi ích của các bên, chỉ phí để xây dựng dữ liệu. Nói chung là có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
Tuy nhiên, tôi cho rằng tiến trình phát triển sẽ tiếp tục, và chúng ta nên thúc đẩy càng nhanh càng tốt.
Về vấn đề pháp lý liên quan tới hệ sinh thái dữ liệu, tôi cho rằng bộ quy định là điều cần thiết, nhưng không hẳn là bắt buộc phải có. Điều này là bởi, các quy định thường xuất hiện sau, đóng vai trò điều chỉnh lại hướng đi. Chúng ta cần phải thực thi kế hoạch trước để tạo ra giá trị, chứng minh được vai trò của hệ sinh thái dữ liệu trước. Trong quá trình đó, nếu có vấn đề nảy sinh, chúng ta mới cần điều chỉnh nhờ vào các quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Trọng Khánh cho biết, việc thúc đẩy xây dựng một hệ sinh thái dữ liệu mà cả doanh nghiệp và khu vực nhà nước đều có thể tiếp cận là một định hướng rất tốt.
"Đó là lý do vì sao mà nhà nước cung cấp dữ liệu mở. Tuy nhiên, đây chỉ là cơ sở dữ liệu cơ bản. Để tiếp tục mở rộng hệ sinh thái dữ liệu này, chúng ta cần phải kêu gọi các doanh nghiệp tham gia, đóng góp dữ liệu để có thể mở rộng hệ sinh thái đó. Tôi cho rằng đó là một định hướng rất tốt", ông Nguyễn Trọng Khánh chia sẻ.
Cho rằng cần xây dựng chiến lược quốc gia về dữ liệu, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) khẳng định, việc phân loại dữ liệu ở cấp độ chính xác là rất quan trọng đối với an toàn thông tin, tiết kiệm chi phí và hoạt động hiệu quả của các cơ quan chính phủ.
Cho rằng việc thiếu các đánh giá và đo lường về giá trị của dữ liệu, ít ví dụ hình mẫu là vấn đề lớn của Việt Nam hiện nay, ông Đồng khuyến nghị cần xây dựng một chiến lược quốc gia về dữ liệu, xác định lại mô hình, vai trò xây dựng khai thác dữ liệu của bộ ngành với địa phương, hoàn thiện chính sách về phân loại dữ liệu, cơ chế khai thác dữ liệu, có danh mục dữ liệu ưu tiên.