Nguy cơ lãi suất sẽ cao hơn?
Các nhà giao dịch dự đoán lãi suất của Mỹ sẽ ở mức khoảng 4% vào cuối thập kỷ này, cao hơn nhiều so với kỳ vọng dài hạn 2,6% của các nhà hoạch định chính sách. Trong khi lãi suất tại khu vực đồng Euro hiện cũng ở mức khoảng 2,5%, cao hơn mức phổ biến trong phần lớn lịch sử của khối.
Nhu cầu chi tiêu cao hơn được xem là yếu tố chính sẽ đẩy lãi suất tăng |
Thâm hụt ngân sách
Nhu cầu đầu tư lớn và chi phí lãi vay tăng cao sẽ khiến các chính phủ phải vay nợ ở mức cao. Các nhà kinh tế hiện đang tranh luận về tác động của nợ gia tăng, trong đó một số người cho rằng nhu cầu chi tiêu sẽ đẩy lãi suất lên cao. IMF ước tính thâm hụt ngân sách của các nền kinh tế tiên tiến ở mức 5,6% GDP năm 2023, gần gấp đôi mức 3% của năm 2019 và sẽ duy trì ở mức 3,6% vào năm 2029.
Ed Hutchings - Trưởng bộ phận lãi suất của Aviva Investor cho biết, thâm hụt cao hơn sẽ làm tăng nhu cầu bù đắp rủi ro khi nắm giữ trái phiếu chính phủ của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, do tốc độ tăng năng suất đã chậm lại và tiềm năng tăng trưởng ở cả hai bờ Đại Tây Dương bị suy giảm, các nhà kinh tế cho rằng các yếu tố này đã làm giảm đầu tư. “Điều đó cho thấy lãi suất trung hòa sẽ tăng ít hơn”, Idanna Appio, cựu chuyên gia kinh tế của Fed cho biết.
Già hóa dân số
Mellon's Dhar - cựu chuyên gia kinh tế của NHTW Anh cho biết, nhân khẩu học là một trong những yếu tố không chắc chắn lớn nhất đối với lãi suất dài hạn. Liên Hợp Quốc dự đoán 16% dân số thế giới sẽ trên 65 tuổi vào năm 2050, từ mức 10% vào năm 2022. Theo đó tỷ lệ người phụ thuộc, bao gồm cả người về hưu, trên người lao động đang tăng lên.
Các nhà kinh tế học Charles Goodhart và Manoj Pradhan lập luận rằng, điều đó sẽ khiến lãi suất tăng do chi tiêu tiết kiệm liên quan đến tuổi tác bị cắt giảm. Nomura cũng cho biết, việc giải quyết tình trạng thiếu hụt lương hưu thông qua vay mượn cũng sẽ gây áp lực lên lãi suất.
Biến đổi khí hậu
Tác động kinh tế của biến đổi khí hậu cũng là một thách thức lớn khác. Isabel Schnabel – Thành viên Hội đồng quản trị của NHTW Châu Âu cho biết, quá trình chuyển đổi xanh đòi hỏi khoản đầu tư lớn có thể làm tăng lãi suất. Các tác động vật lý của biến đổi khí hậu cũng có nguy cơ gây ra lạm phát cao hơn.
Nhưng chúng có thể làm giảm tới 17% sản lượng toàn cầu vào năm 2050. Thiệt hại này đe dọa năng suất và có thể đẩy R-star xuống thấp hơn, một bài báo của ECB cho biết. IMF cũng cho biết năng lượng sạch đắt hơn cuối cùng có thể làm giảm nhu cầu đầu tư và do đó làm giảm lãi suất.
Soeren Radde - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Âu tại quỹ phòng hộ Point72, gọi tác động của biến đổi khí hậu đối với lãi suất là một “cuộc tranh luận mở lớn”. “Chúng ta có những cú sốc tiêu cực về cơ bản phá hủy nhu cầu. Không rõ liệu điều đó có làm tăng R-star hay không”, ông nói.
Trí tuệ nhân tạo
Cuộc cách mạng công nghệ có thể nâng cao năng suất và lãi suất đến mức nào cũng đang được tranh luận sôi nổi. Goldman Sachs kỳ vọng việc tăng năng suất nhờ AI có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Mỹ thêm 0,4 điểm phần trăm và 0,3 điểm ở các nền kinh tế phát triển khác vào năm 2034. Tuy nhiên định chế này cũng nhận thấy áp lực tăng lãi. Vanguard cho rằng nếu tác động của AI ngang bằng với điện, tăng trưởng sẽ bù đắp áp lực về nhân khẩu học. Nhưng nó có thể gây thất vọng nếu tương tự như máy tính và internet.
Các cú sốc khác
Đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine cũng như tại Trung Đông và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là những rủi ro lớn. “Nếu các NHTW phải hành động chống lại chúng… điều đó cũng có thể nâng mức lãi suất trung hòa lên”, Radde của Point72 cho biết.
Ngoài ra, rủi ro đẩy lãi suất lên cao hơn còn có thể đến từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng khi mà các nước và công ty phương Tây tìm cách giao dịch nhiều hơn với các đồng minh thay vì Trung Quốc. “Bất kỳ điều nào trong số đó sẽ xảy ra, do thực tế đây không phải là nơi rẻ nhất để sản xuất nên lạm phát sẽ cao hơn”, ông nói.