Nguy cơ mất an ninh nguồn nước
Mất an ninh nguồn nước
Gần đây, Đà Nẵng luôn đối mặt với thực trạng mất an ninh nguồn nước. Theo các chuyên gia, nguyên nhân do tác động bởi các nhà máy thủy điện xây dựng đầu nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Nguồn nước tự nhiên không về, khiến nước biển xâm nhập vào sâu trong đất liền.
Chính nguyên nhân trên dẫn đến có thời điểm khiến Nhà máy nước Cầu Đỏ - nhà máy cung cấp nước sạch chủ lực của Đà Nẵng - phải ngưng trệ, hoặc phải dẫn nước từ trạm bơm phòng mặn An Trạch (cách nhà máy nước Cầu Đỏ nhiều km) về để xử lý sản xuất nước sạch...
Gần đây người dân Đà Nẵng thường xuyên đối mặt với thiếu nước sinh hoạt |
Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, Đà Nẵng liên tục diễn ra nhiều đợt thiếu nước sinh hoạt, gây nhiều khó khăn cho người dân, cuộc sống bị đảo lộn. Đợt thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng gần đầy nhất vào giữa cuối tháng 8/2019, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân Đà Nẵng.
Đợt thiếu nước sinh hoat trong tháng 8/2019 được Sở Xây dựng Đà Nẵng xác định do nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn. Qua số liệu đo độ mặn, ngày 18/8/2019 đến rạng sáng 23/8/2019 độ mặn thường xuyên vượt ngưỡng 1.000mg/l. Vậy nên, nguồn nước thô hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào trạm bơm phòng mặn An Trạch, với công suất thiết kế 210.000 m3/ngày đêm. Trong khi, nhu cầu sử dụng nước của toàn thành phố hơn 300.000 m3/ngày đêm. Dẫn đến thiếu nước sinh hoạt tại nhiều quận như Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn…
Mới đây, chất lượng nước tại sông Cầu Đỏ tiếp tục bị nhiễm mặn. Theo ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), chiều 17/9/2019, sông Cầu Đỏ nhiễm mặn trở lại, độ mặn cao nhất đo được từ 600-700mg/l. Trước tình hình này, Dawaco phải vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch đưa nước ngọt từ đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân bay để sản xuất, cấp nước sinh hoạt cho thành phố.
Theo dự báo của các đơn vị chuyên môn, trong tháng 9, 10 và 11/2019, lượng mưa ở khu vực Trung Trung bộ thấp hơn trung bình nhiều năm. Đến tháng 12/2019 mới có lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm. Do đó, vẫn là thách thức lớn trong việc đảm bảo nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho Đà Nẵng trong thời gian đến.
Nhiều giải pháp ứng phó
Trước diễn biến độ mặn và thời tiết bất thường, để đảm bảo việc cấp nước và chuẩn bị đối phó với các tình huống có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp nước sạch cho nhân dân, UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo Sở Xây dựng, Dawaco và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình cấp nước, kịp thời thực hiện các công việc theo đúng nội dung kịch bản ứng phó đã được phê duyệt.
Về lâu dài, để đảm bảo an ninh nguồn nước, UBND TP. Đà Nẵng giao các sở, ngành, đơn vị chức năng khẩn trương triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn nước. Cụ thể, đối với việc triển khai tuyến ống nước sạch D500 từ Nhà máy nước Hồ Hòa Trung về đường Nguyễn Tất Thành nối dài, tập trung công tác bàn giao mặt bằng để Dawaco triển khai thi công tuyến ống nước sạch, vận hành khai thác.
Đối với công trình nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch và tuyến ống nước thô về Nhà máy nước Cầu Đỏ - công trình cấp bách để giải quyết tình trạng nhiễm mặn tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, UBND TP. Đà Nẵng giao Sở Xây dựng chủ trì, đầu mối, chịu trách nhiệm phối hợp với Dawaco và các đơn vị liên quan. Các đơn vị khẩn trương xây dựng bảng tiến độ chi tiết đối với từng công việc chuẩn bị đầu tư, đánh giá tác động môi trường, đền bù giải tỏa, lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công xây dựng... theo hướng giảm tối đa thời gian triển khai và bảo đảm hoàn thành công trình sớm nhất.
Cùng đó, chính quyền Đà Nẵng, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát và nghiên cứu triển khai song song hai hệ thống nước thủy cục và giếng khoan ngầm để phục vụ người dân sử dụng tại các bãi tắm công cộng trên địa bàn trong trường hợp xảy ra tình trạng thiếu nước sạch. Đồng thời, thực hiện các giải pháp tuyên truyền để người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả tại các bãi tắm.
Một trong những giải pháp cấp bách chính quyền Đà Nẵng chọn để giải quyết bài toán thiếu nước sinh hoạt là triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên (huyện Hòa Vang), với tổng mức đầu tư 1.170 tỷ đồng. Dự án vừa được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố.
Việc xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên có công suất 120.000m3/ngày, với mục tiêu cung cấp bổ sung nguồn nước sạch cho nhu cầu dùng nước của Đà Nẵng. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ đảm bảo cung cấp nước sạch các khu vực quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, huyện Hòa Vang.
Theo ông Nguyễn Hữu Hinh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (đơn vị làm chủ đầu tư, quản lý dự án), dự án hiện vừa thực hiện xong các nội dung phê duyệt quy hoạch đối với các hạng mục điều chỉnh quy hoạch nhà máy nước; quy hoạch đập dâng, trạm bơm, tuyến ống thu nước thô; điều chỉnh quy hoạch các công trình phụ trợ; tổng thể lòng hồ chứa nước...
Tại hội nghị trao đổi, xử lý một số biện pháp giảm thiểu các tác động khi khơi thông sông Cổ Cò vào chiều 16/9/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho Đà Nẵng, Quảng Nam thống nhất cao với Đà Nẵng về giải pháp xây dựng đập điều tiết tại cửa sông Quảng Huế (huyện Đại Lộc, Quảng Nam).
Cùng với đó, khi phối hợp đề xuất điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa (hồ thủy điện) trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, Quảng Nam thống nhất đề nghị thủy điện Đak Mi 4 xả nước về sông Vu Gia với lưu lượng lớn hơn trong mùa cạn. Chính quyền tỉnh Quảng Nam sẽ điều hành việc vận hành điều tiết nước của các hồ thủy điện theo thời gian thực. Đồng thời, ông Thanh đề xuất, UBND TP. Đà Nẵng cần xây dựng đập ngăn mặn có cửa van điều tiết nước tại sông Cầu Đỏ để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố trong tương lai.