Nhà đầu tư chứng khoán cần thận trọng khi lạm phát gia tăng
Nhiều triển vọng nửa cuối 2022
TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, Bộ Tài Chính cho biết, trong nửa đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam rất tích cực và lạc quan với tăng trưởng GDP quý II trên 7% - mức tăng theo quý cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Với mức phục hồi như vậy, có thể khẳng định Việt Nam đã thoát ra khỏi tác động tiêu cực của đại dịch. Quan trọng hơn là chúng ta tăng trưởng ở cả ba khu vực: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư, kể cả đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư ở khu vực Nhà nước, cũng có sự phục hồi.
Thêm nữa, suốt các năm 2020-2021, mặc dù thị trường thế giới có những biến động bất lợi, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá vận tải tăng rất cao, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được hoạt động xuất khẩu với tốc độ tăng lên tới hai con số. Nửa đầu của năm 2022, xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng tới 17% và thặng dư thương mại ở mức trên 700 triệu USD.
“Rõ ràng, tốc độ tăng trưởng kinh tế như vậy là một tín hiệu rất tốt để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 ở mức khoảng 6-6,5% hay thậm chí sẽ còn tăng trưởng cao hơn mục tiêu đó. Về lạm phát, chúng ta vẫn kiềm chế ở mức 2,44% bình quân cho nửa đầu của năm 2022 trong khi ở những nước phát triển, lạm phát của họ đã lên tới 8-9%. Việc chúng ta giữ được mức lạm phát như vậy là một thành công đáng kể”, TS. Vũ Đình Ánh trao đổi trong Talk show Phố Tài chính trên VTV8.
Bổ sung thêm thông tin về thị trường tài chính và hoạt động của các doanh nghiệp, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank cho biết, trên TTCK, ngành xương sống của nền kinh tế là ngành Ngân hàng thì trong 6 tháng đầu năm nay, hầu hết các ngân hàng đều đạt kết quả kinh doanh rất tích cực so với năm trước. Bên cạnh đó, sự ổn định tỷ giá tại Việt Nam được giới đầu tư đánh giá rất cao, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
“Như chúng ta biết, tính cho đến ngày hôm nay, chỉ số Dollar Index đã vượt 108 điểm trong khi vào năm trước thời điểm thấp nhất chỉ có 89 điểm. Có nghĩa là USD đã tăng rất mạnh và đồng euro so với USD đã có thời điểm thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Trong bối cảnh hầu hết các đồng tiền đều mất giá rất mạnh so với USD thì đồng tiền Việt Nam vẫn duy trì được mức độ ổn định, cho thấy VND là một đồng tiền mạnh và có mức độ tăng ổn so với những đồng tiền khác”, ông Khánh nhấn mạnh.
Sức ép lạm phát là rất lớn
Về sức ép lạm phát và thắt chặt tiền tệ trên thế giới tác động đến Việt Nam, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng trong nửa cuối của năm 2022, chúng ta sẽ phải đối mặt với một số vấn đề. Về tăng trưởng kinh tế, mặc dù nửa đầu năm đã đạt kết quả ngoạn mục nhưng bên cạnh những nỗ lực của chúng ta còn một điểm là suốt năm 2020 và năm 2021 tăng trưởng kinh tế khá thấp.
Một yếu tố rất quan trọng nữa là sự lệch pha của kinh tế Việt Nam. Một nền kinh tế khổng lồ như Mỹ, năm 2021 họ tăng tới 4,6%, trong khi đó Việt Nam tăng trưởng khoảng 2,38%. Như vậy, khi chúng ta bắt đầu tăng trưởng cao thì kinh tế toàn cầu lại đang đối mặt với vấn đề suy thoái. Ngoài ra, năm 2020-2021, khi lạm phát toàn cầu đã lên tới trên 3% thì ở Việt Nam lạm phát thậm chí chưa bao giờ thấp tới vậy. Chúng ta không chỉ lệch pha tăng trưởng mà lệch pha cả về lạm phát. Đó là các yếu tố có thể gây ra lạm phát cao ở Việt Nam vào nửa cuối năm 2022.
“Mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ có thể đạt được và thậm chí còn đạt cao hơn bởi chúng ta có một chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trị giá 348.000 tỷ đồng. Nếu chúng ta thực hiện tốt gói này, không chỉ liên quan đến câu chuyện tăng trưởng năm 2022-2023 mà thậm chí còn 5 năm hay 10 năm sau đó. Tuy nhiên, bên cạnh những lạc quan về vấn đề tăng trưởng kinh tế, chúng ta đang có mối lo ngại liên quan đến lạm phát toàn cầu có thể sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam”, ông Ánh khẳng định.
Liên quan đến nhập khẩu lạm phát, ông Ánh cho biết giá nhiều nguyên, nhiên vật liệu tăng lên tới hàng chục phần trăm, trong khi phần lớn trong đó chúng ta đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Ví dụ, chỉ số giá xuất khẩu và chỉ số giá nhập khẩu trong suốt những năm 2020-2021 và nửa đầu năm 2022 đều tăng trưởng ở mức khoảng từ 5-7% nhưng chưa hề phản ánh vào trong mức giá. Với quy mô nhập khẩu mỗi năm hiện nay tương đương 100% GDP, rõ ràng việc giá thế giới tăng và chúng ta phải nhập khẩu lạm phát sẽ đẩy giá thành sản xuất cũng như giá bán cuối cùng tăng lên, tạo ra lạm phát ở Việt Nam.
Ông Ánh cũng lưu ý thêm, đến nay chưa rõ sẽ có chính sách chủ chốt nào được sử dụng để kiềm chế và kiểm soát lạm phát, nhưng dự báo rằng lạm phát của chúng ta năm 2022 nếu với diễn biến như hiện nay sẽ khoảng từ 5-6%.
Thị trường chứng khoán sẽ ra sao?
Theo TS. Vũ Đình Ánh, nguyên tắc là khi lạm phát cao, các nước phát triển sẽ lựa chọn chống lạm phát bằng chính sách tiền tệ và trọng tâm là chính sách lãi suất. Khi tăng lãi suất, dòng tiền giá rẻ sẽ không còn. Và khi lãi suất tăng, dòng tiền sẽ có thể quay trở lại những nền kinh tế đang có mức lãi suất hấp dẫn hơn, sẽ rất bất lợi cho sự tăng trưởng của TTCK cũng như các NĐT chứng khoán.
Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp, các công ty niêm yết đều có triển vọng tăng trưởng khá tốt. Như vậy, hàng hóa trên thị trường sẽ có chất lượng hơn, có giá trị tốt hơn khi họ tăng trưởng hơn trong nửa cuối năm 2022.
Khía cạnh khác là tỷ giá hối đoái. Do độ mở nền kinh tế Việt Nam quá lớn, tỷ giá có thể sẽ duy trì ở mức có thể chấp nhận được, tiền Việt giảm giá từ 1-2% so với USD, không ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngoài ra, trong nửa đầu của năm 2022, một loạt sai phạm trên TTCK đã bị cơ quan quản lý xử lý và sắp tới có thể có những xử lý tiếp theo... Như vậy cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của TTCK nhưng về lâu dài nó sẽ tạo ra cơ sở rất tốt để TTCK có thể phục hồi và phát triển mạnh cho giai đoạn sau năm 2022 cũng như những triển vọng về nâng hạng thị trường.
Ông Phan Dũng Khánh thì cho biết, các dấu hiệu trên thị trường cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tương đối tích cực trong khoảng thời gian gần đây. Tháng 4, tháng 5, tháng 6, NĐT nước ngoài đã mua ròng trở lại. Đó là một bệ đỡ cho thị trường, cải thiện tâm lý cho các NĐT và tâm lý của thị trường chung. Tuy nhiên, các NĐT cũng nên thận trọng trong lúc này. Bởi nếu năm 2021 gần như mua mã nào cũng lãi. Vấn đề của NĐT lúc đó là lãi ít hay nhiều, nhưng hiện nay thị trường không còn như vậy, nếu không cẩn trọng sẽ bị lỗ lớn.
Tuy nhiên một tin tốt mang tính chất kỹ thuật là thị trường liên tục đi xuống, đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, thì từ đây đến cuối năm còn 6 tháng nữa sẽ có những tháng phục hồi trở lại. Dĩ nhiên, phục hồi là từ mức thấp chứ không dễ quay về mức 1.500 điểm - mức đỉnh điểm của thị trường tính đến nay.
Trong bối cảnh như vậy, NĐT nên giao dịch một cách thận trọng và lưu ý rằng hạn chế tối đa sử dụng đòn bẩy tài chính cũng như giữ một tỷ trọng tiền mặt để chờ đợi thời cơ chứ không nên mua tất tay.