Nhà đầu tư nước ngoài có đang chốt lời?
Từ năm 2024, dòng tiền toàn cầu sẽ quay lại các thị trường mới nổi và Việt Nam |
Kể từ tháng 7/2023, thị trường chứng khoán toàn cầu đã chứng kiến sự trở lại tích cực hơn của dòng tiền đầu tư, với tiền đổ vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu tăng trưởng liên tiếp, cùng với đó là những dự báo tích cực hơn về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Tại Việt Nam, loạt chính sách hỗ trợ kinh tế cũng đang được đẩy mạnh, tuy nhiên vẫn chưa có sự gia tăng trở lại của dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán.
Các chuyên gia nước ngoài đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiếu vắng dòng vốn ngoại. Tuy nhiên, dự báo từ năm 2024 trở đi, dòng tiền toàn cầu sẽ quay lại các thị trường mới nổi và Việt Nam, khi lãi suất hạ nhiệt và kinh tế toàn cầu có thể lấy lại đà tăng trưởng rõ ràng hơn.
Ông Lu Hui Hung, Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ Phú Hưng, cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam đã phục hồi khá tốt trong giai đoạn vừa qua nhờ những kỳ vọng lạc quan từ việc giảm lãi suất điều hành và các giải pháp khơi thông nguồn vốn từ ngân hàng đến doanh nghiệp. Giá trị giao dịch trong tháng 8 đã tăng mạnh và đạt bình quân khoảng 1 tỷ USD mỗi phiên (tăng gần gấp đôi so với trung bình từ tháng 1 đến tháng 5).
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán trong ngắn hạn sẽ đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến việc các nhà đầu tư nước ngoài có thể hạn chế đầu tư cũng như tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Tăng trưởng tín dụng chậm cho thấy doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn mới. Lũy kế từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 4,39% so với mức mục tiêu 14%.
Nhưng về trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được hỗ trợ bởi nhiều điểm sáng như tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ vượt mức trung bình của khu vực và thế giới; tỷ giá và lạm phát ổn định; kỳ vọng đạt mục tiêu của Chính phủ cũng là những yếu tố quan trọng thu hút dòng vốn ngoại. Cùng với đó, việc tầng lớp trung lưu đang tăng lên, dự báo vượt hơn 50% vào năm 2035, sẽ tạo ra nhu cầu đầu tư.
Ông Kang Moon Kyung, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), thì cho biết năm 2023, Chính phủ quyết tâm đạt mức mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,5%. GDP trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 3,7% và như vậy cần đạt mức tăng trưởng lên tới 9% trong nửa cuối năm. Để đạt được mức đó, yếu tố đầu tư công sẽ đóng vai trò chủ đạo.
Việc Chính phủ tiếp tục tháo gỡ nút thắt cho ngành bất động sản cũng như các tổ chức phát hành trái phiếu khiến niềm tin của nhà đầu tư đã được cải thiện. Trong khi đó, chính sách tiền tệ được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế, đồng thời duy trì sự cân bằng giữa ổn định tỷ giá và giảm lãi suất cho vay.
“Nhờ những chất xúc tác nêu trên, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận ở hầu hết các ngành sẽ tích cực trong nửa cuối năm 2023, việc cải thiện được EPS trong hai quý tới sẽ đưa P/E về mức hấp dẫn hơn”, ông Kang Moon Kyung trao đổi trong Talk show Phố Tài chính trên VTV8.
Phân tích về việc dòng đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) chưa thực sự ổn định, dòng tiền trên thị trường chứng khoán chủ yếu là dòng tiền nội, ông Kang Moon Kyung cho biết giao dịch khối ngoại hiện đang chiếm khoảng 10% tổng giá trị giao dịch trên thị trường. Họ bán ròng liên tiếp từ tháng 4 đến ngày 18/8 khoảng 320 triệu USD.
Theo ông, việc NHNN đã cắt giảm lãi suất chính sách 150 điểm cơ bản so với đầu năm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi Fed vẫn tăng lãi suất trong tháng 7 vừa qua, sự chênh lệch này có thể giải thích cho xu hướng bán ròng gần đây của khối ngoại.
Nhìn lại giai đoạn tháng 11/2022 đến tháng 1/2023, khi P/E của VN-Index ở mức thấp nhất 10 năm, khối ngoại đã mua ròng tổng giá trị lên tới 1,2 tỷ USD. Và hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài có thể đang chốt lời.
Ngoài ra, sau một thời gian hồi phục, mức P/E của Việt Nam hiện tại ngang bằng với nhiều thị trường khác. Trong khi đó, sự lạc quan của các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã khiến thị trường tăng vọt trong 4 tháng qua, thể hiện qua số tài khoản mở mới duy trì 3 tháng liên tiếp trên 100.000 tài khoản/tháng. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên HoSE cũng ghi nhận tháng cải thiện thứ 4 liên tiếp, với tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm cá nhân trong nước chiếm trên 85% (so với mức trung bình 80% của các tháng trước).
Ông Lu Hui Hung thấy rằng dòng vốn FDI mang nhiều tín hiệu tích cực, trong 7 tháng đầu năm đạt hơn 16 tỷ USD, tăng 4,5%. Điều này cho thấy niềm tin vững chắc của các đối tác, đặc biệt là các đối tác truyền thống như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… vào nền kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.
Tuy nhiên, về dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài FII liên quan nhiều tới các thương vụ M&A thì trong năm 2023, chúng ta vẫn chưa thấy có thương vụ lớn nào khác ngoài thương vụ của VPBank vừa qua. Áp lực từ lãi suất USD neo cao cùng với tiến trình cơ cấu lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản trong thời điểm hiện tại đã khiến dòng vốn FII chững lại.
Triển vọng trong trong năm 2024 có thể sẽ tốt hơn. Một số thương vụ có thể kỳ vọng bao gồm việc tăng vốn của các ngân hàng, hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Còn trong ngắn hạn, khi mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II qua đi, thị trường sẽ bước vào giai đoạn “vùng trũng” thông tin. Cùng với tác động của triển vọng khó đoán trên thế giới, dòng vốn ngoại có thể sẽ tạm dịch chuyển khỏi các thị trường mới nổi. Vì vậy, dòng tiền trong nước sẽ vẫn là yếu tố dẫn dắt chủ đạo trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế thế giới trở nên ổn định, dòng tiền sẽ quay lại các thị trường mới nổi và Việt Nam chắc chắn sẽ là điểm đến quan trọng của dòng vốn ngoại.
Còn trong ngắn hạn, sẽ khó có một cú hích mạnh nhưng thị trường có thể đạt tới 1.300 điểm trong năm nay. Năm sau, khi các yếu tố trở nên rõ ràng hơn như các nền kinh tế phục hồi tích cực hơn, các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn thì khi đó thị trường có thể thể đạt được mốc 1.500 điểm.