Nhà máy chế biến nông sản thiếu nguyên liệu
Ông Ngô Quang Tú, Trưởng phòng Chế biến bảo quản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NN&PTNT chia sẻ, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản nằm trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đóng góp khoảng 17% GDP cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành này đóng góp 9,66% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Hiện cả nước có 157 cơ sở chế biến nông nghiệp, chủ yếu ở miền Bắc, ĐBSCL và Đông Nam Bộ, tổng công suất đạt 1,1 triệu tấn. Các địa phương có ngành công nghiệp chế biến phát triển nổi bật là Sơn La, Bắc Giang, Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang... Trong giai đoạn 2017-2021, nhiều tập đoàn như Doveco, Nafoods, TH đã đầu tư xây dựng, khánh thành mới 10 nhà máy chế biến hiện đại với công suất 190.000 tấn sản phẩm/năm với số vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng nghìn cơ sở chế biến quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình, nằm ở khắp nơi của đất nước.
Tuy nhiên, nhìn chung hàng năm thì các nhà máy vẫn thiếu nguyên liệu, chỉ vận hành được 60% công suất trung bình. Có 2 nguyên nhân chính giải thích cho tình trạng này là do thiếu quy hoạch vùng trồng nguyên liệu; chất lượng giống thấp, cách thức sản xuất manh mún…
Cần đẩy mạnh liên kết sản xuất, vùng nguyên liệu để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến nông sản |
Bên cạnh đó, công nghệ của các nhà máy chế biến còn lạc hậu. Theo ông Tú, hiện các doanh nghiệp chế biến rau quả thường có quy mô vốn rất nhỏ, hơn 80% cơ sở sản xuất dưới 2 tỷ đồng; tỷ lệ cơ giới hóa thấp. Cùng với đó, việc bảo quản sau thu hoạch hiện nay đang rất yếu, thiếu thiết bị tối thiểu như điện nước, kho lạnh nên dẫn tới tổn thất sau quy hoạch trên 20%. Hiện trình độ quản lý và tay nghề của lao động còn thấp, chỉ 20-25% đã qua đào tạo quản lý. Công nhân chỉ là lao động thủ công đào tạo ngắn hạn, nhận thức còn hạn chế.
Về thị trường, có thực tế là sản phẩm chế biến càng sâu thì thị trường càng hẹp. Về thói quen, người tiêu dùng chủ yếu vẫn quen sử dụng đồ tươi đặc biệt là khu vực nông thôn, người thu nhập thấp. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn với thị trường xuất khẩu do các quy định ngặt nghèo về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuế phí...
Trước tình hình đó, để tổ chức lại sản xuất, các địa phương cần đẩy mạnh liên kết sản xuất, vùng nguyên liệu được kết nối theo chuỗi để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật về liên kết để có những chế tài xử phạt, có quy định điều phối các hoạt động liên kết, liên kết cụm, liên kết ngành. Đối với vấn đề nâng cao năng lực chế biến, bảo quản rau quả, phải đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và chế biến bảo quản nông sản. Thành lập sàn giao dịch công nghệ để kết nối cung cầu, giao lưu, mua bán, trao đổi công nghệ. Đối với các địa phương cần đặc biệt ưu tiên, ưu đãi các dự án chế biến nông sản.
Theo PGS.TS. Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, định hướng phát triển công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ và vừa là điều cần thiết.
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La chia sẻ, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, như hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh phí xây dựng lò sấy nông sản, container lạnh...