Nhà ở phòng, tránh lũ: “Chỗ dựa” an toàn cho người dân mùa mưa bão
Chúng tôi về Lệ Thủy, huyện bị ngập lụt nặng nhất, cũng là nơi nước rút muộn nhất của Quảng Bình sau cơn bão số 8 và bàng hoàng khi hầu hết tài sản của bà con trong vùng đã bị nước cuốn trôi. Nhiều gia đình trắng tay, lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Tuy nhiên, giữa cơ cảnh ấy, vẫn còn đó hàng ngàn hộ gia đình an toàn, tự chủ bảo vệ được tính mạng và tài sản, thậm chí còn rộng cửa đón láng giềng vào trú ngụ qua những ngày gian khó. Đó là những ngôi nhà được cất lên theo tinh thần “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp” từ Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Chính phủ hỗ trợ người nghèo ở 14 tỉnh miền Trung xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt.
Hình ảnh bên trong nhà tránh lũ của hộ dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế |
Gia đình chị Dương Thị Trình, với 15 triệu đồng vay từ NHCSXH, cộng với chút tiền dành dụm, đã cất được căn nhà vượt lũ. “Có cái nhà này là còn chỗ bước lên mà trốn, chứ không mạ con cũng không biết đứng chỗ mô mà nương tựa…Cũng may mắn có chỗ bỏ áo quần, chỗ để cái bếp, nấu cái cháo mà ăn, không thôi là hắn trôi hết luôn…”, chị kể. Những khi lũ về như thế này, căn nhà lại càng trở nên quý giá với một thôn có 90% các gia đình có nhà bị ngập trong nước. Đợt mưa lũ vừa rồi, toàn xã bị cô lập nhiều ngày. Nhà ngập thấp nhất cũng đến 2/3 tường, nhà cao nhất thì lút mái. Chính vì vậy, căn nhà không chỉ là chỗ trú ẩn của gia đình, mà chị còn mở cửa cho nhiều bà con thôn Mỹ Hòa, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy trú ngụ qua những ngày gian nan.
Thực tế đã cho thấy, gần 2.500 ngôi nhà vượt lũ khác ở Quảng Bình vẫn hiên ngang, kiên cố sau trận lũ kinh hoàng. Điều đó cũng có nghĩa, ít nhất từng đó hộ dân được an bình trong trận lũ lịch sử trong gần 30 năm qua này. Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết, kể từ khi triển khai Quyết định số 48 đến nay, chi nhánh đã chủ động tiếp cận, khuyến khích các hộ nghèo xây nhà chống lũ. Đến nay, chi nhánh đã giải ngân cho vay được gần 68% số hộ.
Ở Quảng Trị, cũng không khó để thấy những hình ảnh ấm áp từ các ngôi nhà tránh lũ trên các địa bàn. Ngồi trong căn nhà khô ráo và ấm áp sau khi cơn lũ đi qua, bà Trương Thị Tình ở đội 2 Mai Xá, xã Gio Linh, huyện Gio Linh cảm thấy mình đã rất may mắn và có quyết định đúng đắn khi vay vốn NHCSXH xây nhà tránh lũ. 15 triệu đồng vay NHCSXH từ năm 2015 cùng tích cóp của gia đình và vay mượn đã giúp bà có căn nhà kiên cố, vừa đảm bảo an toàn cho gia đình, vừa giữ gìn được tài sản từ chính những đồng vốn NHCSXH cho vay thời gian qua để chăn nuôi, mong đẩy nhanh hành trình thoát nghèo của mình.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Trị cho biết, chi nhánh đã cho vay 1.439 hộ nghèo xây nhà tránh lũ theo Quyết định số 48.
Nhìn rộng ra 14 tỉnh miền Trung, đến nay, số hộ vay xây nhà theo Quyết định 48 đang còn dư nợ là 13.148 khách hàng với tổng dư nợ 192,91 tỷ đồng; trong đó, từ đầu năm 2020 đến 30/9/2020 đã giải ngân cho 453 hộ vay với doanh số gần 6,8 tỷ đồng. Trận lũ lụt vừa qua một lần nữa lại chứng minh tính hiệu quả của những căn nhà vượt lũ. Việc xây những căn nhà này không chỉ giúp các hộ nghèo kiên cố hóa nhà ở, yên tâm sản xuất, xây dựng cộng đồng an toàn, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới, mà còn chủ động giảm nhẹ tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.
“Qua đợt đại hồng thủy này có thể thấy rõ hiệu quả và cần nhân rộng mô hình nhà vượt lũ trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai…”, ông Nguyễn Văn Thục - Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy kiến nghị.
Tuy nhiên, thực tế khảo sát tại các địa bàn cho thấy, vẫn còn những nút thắt khiến NHCSXH chưa thể đẩy nhanh việc hỗ trợ xây nhà phòng, tránh lũ. Như việc mức hỗ trợ của ngân sách và mức cho vay của NHCSXH 15 triệu đồng là quá ít so với nhu cầu vốn cần thiết để hoàn thành một ngôi nhà phòng, tránh lũ lụt, trong khi khả năng huy động nguồn lực tự thân của hộ nghèo còn rất hạn chế. Chính vì vậy, một bộ phận hộ nghèo không có thể làm nhà. Thậm chí ở một số địa phương, kể cả khi có thêm nguồn hỗ trợ 30 triệu đồng/căn nhà tránh lũ do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ, người dân vẫn không mặn mà. Vì vậy, vốn cho vay nhà tránh lũ đang giải ngân rất chậm.
Để mở rộng hơn nữa mô hình nhà tránh lũ cho người nghèo trong bối cảnh diễn biến khí hậu ngày càng bất thường và gây hậu quả nghiêm trọng, Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tài đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cùng nghiên cứu để kéo dài chương trình cho vay xây dựng nhà ở phòng chống bão lụt và nâng mức cho vay cũng như mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước; đồng thời cũng mở rộng đối tượng được vay.
NHCSXH cũng đề nghị Chính phủ cấp vốn kịp thời cho NHCSXH để thực hiện cho vay đến các đối tượng thụ hưởng. Đối với Ủy ban nhân dân các cấp, cần chỉ đạo việc rà soát, xét duyệt, xác nhận đối tượng thụ hưởng kịp thời, chính xác để NHCSXH có cơ sở triển khai cho vay theo đúng quy định và đúng thời gian. Đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát và công tác tuyên truyền việc hỗ trợ cho vay hộ nghèo làm nhà ở của chính quyền địa phương cấp tỉnh, đặc biệt là của cấp huyện, xã để tiền hỗ trợ, tiền vay của ngân sách Nhà nước, tiền hỗ trợ của ngân sách địa phương, tiền đóng góp của cộng đồng đến đúng đối tượng thụ hưởng và nhà ở đảm bảo chất lượng, để người dân nghèo có thêm một “đai an toàn”, giúp thoát nghèo bền vững.