Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo, giả danh cán bộ ngân hàng
Cảnh giác trước những bất thường
Cuối tháng 9/2021, anh Huỳnh Tấn D, trú xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cần một khoản tiền để mở lại cơ sở kinh doanh sau thời gian giãn cách nên tìm hiểu các kênh vay vốn trên mạng. Sau khi tiếp cận thông tin tại một trang facebook có quảng cáo hỗ trợ vay tiền thuộc “Quỹ tín dụng nhân dân” với lãi suất thấp, hồ sơ, thủ tục cho vay khá đơn giản nên anh nhanh chóng liên hệ hỏi vay. Tuy nhiên, sau khi tiến hành làm các thủ tục vay, đối tượng tự xưng là cán bộ của quỹ tín dụng yêu cầu anh đóng tiền phí làm hồ sơ. Thấy bất thường, anh D bảo không vay nữa, thì đối tượng chặn luôn số điện thoại! Nghi vấn những người này giả danh để lừa đảo, anh đến trực tiếp Quỹ tín dụng Nhân dân Ninh Hòa để tìm hiểu, mới biết đó là những đối tượng lừa đảo, đồng thời anh cũng đã được quỹ tín dụng cho vay 200 triệu đồng để mở lại cơ sở kinh doanh. Hàng tháng, anh trả lãi và gốc tại quỹ, được nhân viên cấp chứng từ rõ ràng, nên rất an tâm.
Chứng thư bảo lãnh của Ngân hàng HSBC và quyết định bổ nhiệm được Đoàn Thị Vy làm giả để qua mặt các cơ quan chức năng |
Ông Nguyễn Tấn Lực, Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân Ninh Hòa, cho biết, hiện nay, một số đối tượng lập các trang mạng giả mạo trên mạng xã hội. Khi có người quan tâm, chúng mạo danh là nhân viên của quỹ tín dụng và hứa làm các thủ tục cho vay vốn rồi sau đó lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Hiện nay Quỹ tín dụng nhân dân Ninh Hòa không làm thủ tục cho vay trực tuyến, tất cả đều giao dịch trực tiếp với khách hàng là thành viên thông qua Hội Phụ nữ, Hội Nông dân. Ngay sau khi phát hiện vụ việc mạo danh để lừa đảo người dân, Quỹ tín dụng Nhân dân Ninh Hòa đã có thông báo đến tất cả các thành viên của quỹ về tình trạng lừa đảo này. Đồng thời, hướng dẫn cho khách hàng khi có nhu cầu vay vốn đến trực tiếp trụ sở để được tư vấn cụ thể về điều kiện và quy trình cho vay.
Thực tế cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, chủ yếu nhắm vào những người dân đang cần tiền nhưng lại thiếu thông tin. Các đối tượng luôn tạo niềm tin cho người dân bằng cách lấy danh nghĩa là cán bộ quỹ tín dụng; lập facebook sử dụng hình ảnh Quỹ tín dụng nhân dân và có địa chỉ tại địa phương nơi người dân sinh sống; quảng cáo nhiều sản phẩm vay với lãi suất thấp... nên nhiều người vẫn bị sập bẫy. Vì thế người dân cần hết sức cảnh giác trước những thủ đoạn này.
Để cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác, tránh “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cũng đã có thông báo đến tất cả các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh, cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới hiện nay, khuyến cáo người dân nên trình báo đến cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn kịp thời các vụ việc lừa đảo.
Lập chứng thư bảo lãnh giả
Với “siêu lừa” Đoàn Thị Vy sinh năm 1968, trú tại phường Vỹ Dạ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhiều người đến giờ vẫn không hiểu bằng thủ đoạn nào mà thị có thể chiếm đoạt số tiền hơn 23 tỷ đồng của Công ty Lộc Sơn Hà miền Trung. Để thực hiện ý đồ, Vy thuê người làm giả quyết định của Chủ tịch HĐQT Công ty Union Project Finance (Anh quốc) bổ nhiệm Đoàn Thị Vy giữ chức giám đốc chi nhánh Công ty Đầu tư tài chính dự án Toàn Phát Group Việt Nam, với vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng và chứng thư bảo lãnh của ngân hàng HSBC cho Công ty Toàn Phát với số tiền 500 triệu USD. Từ hồ sơ giả mạo này, Vy đã được phê duyệt trúng thầu nhiều dự án về đất đai. Hậu quả là những dự án trên được bán “trao tay” cho nhiều nhà đầu tư khác nhau và không thể thực hiện.
Cũng với thủ đoạn đó, Đoàn Thị Vy đến tỉnh Quảng Nam xin cấp phép thực hiện dự án Khu dân cư thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn. Tin tưởng vào những hồ sơ giả mạo do Vy cung cấp, chính quyền địa phương đã đồng ý giao diện tích 37,5ha đất thực hiện dự án… Thế nhưng, khi được giao đất, nhưng không tìm được “đối tác” để chuyển nhượng nên Công ty Toàn Phát đã tự động… rút lui. Dù chưa gây hậu quả song cũng để lại không ít hệ luỵ khi dự án bị treo và kéo dài đến nay.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục phát đi cảnh báo tình trạng một số doanh nghiệp, cá nhân “phù phép” năng lực tài chính để được phê duyệt đầu tư, trúng thầu, triển khai thực hiện dự án... Hậu quả của hành vi này là dự án được mua đi, bán lại lòng vòng, không được triển khai... Các đối tượng sử dụng tài liệu giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để thực hiện hành vi này, các đối tượng tìm trên mạng xã hội những địa chỉ làm các loại tài liệu, giấy tờ giả để đặt hàng. Nội dung được bên mua cung cấp và bên thực hiện dịch vụ chịu trách nhiệm tìm hiểu về con dấu, lo-go, chữ ký người có thẩm quyền của ngân hàng hoặc chính quyền sở tại để in ấn các loại giấy tờ giả nội dung được ngân hàng cam kết cấp hạn mức tín dụng lên đến hàng ngàn tỷ đồng hoặc xác nhận số dư tài khoản tại một thời điểm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thoạt nhìn, khó có thể phát hiện đây là “hàng giả” và những giấy tờ trên được các đối tượng sử dụng vào mục đích lừa đảo?
Trả “phí” để được vay ngân hàng
Đang lúc khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, anh Lê Thanh T, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân tại Đà Nẵng nhận được điện thoại của một người xưng là nhân viên ngân hàng V gợi ý, nếu anh nộp 20 triệu đồng tiền phí sẽ được vay 200 triệu đồng. Tưởng người này là nhân viên của ngân hàng, anh đã nộp đủ số tiền theo yêu cầu với hy vọng sẽ được vay vốn. Tuy nhiên, vài hôm sau, người này lại gọi đến đề nghị anh đóng thêm 20 triệu đồng nữa, sinh nghi anh liên hệ với chi nhánh ngân hàng V thì biết mình bị lừa , liên hệ lại với "nhân viên ngân hàng" kia thì đã khóa máy?
Tương tự, thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản lấy tên các ngân hàng để mời chào khách mua hồ sơ vay vốn giải ngân trong ngày. Nếu khách hàng giao dịch sẽ phải cung cấp thông tin cá nhân để làm hồ sơ và trả phí. Giám đốc một chi nhánh ngân hàng tiết lộ: Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một facebook thông báo bán hồ sơ giải ngân duyệt sẵn có thu phí của ngân hàng mình. Tuy nhiên, tài khoản facebook này không thuộc quản lý của ngân hàng và không thể đại diện để tư vấn cho khách về các sản phẩm dịch vụ mà ngân hàng cung cấp. Việc mua bán hồ sơ vay vốn hoàn toàn trái với các quy định hiện hành của ngân hàng và pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, theo quy trình hiện tại, khách hàng có nhu cầu vay vốn tại ngân hàng sẽ phải làm việc trực tiếp với cán bộ ngân hàng tại các đơn vị kinh doanh để được tư vấn về sản phẩm dịch vụ. Đồng thời, việc vay vốn phải trải qua quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ nghiêm ngặt từ bộ phận thẩm định, ngân hàng. Chỉ khi khách đáp ứng đủ điều kiện theo quy định mới được giải ngân. Vì vậy, các khách hàng cần cảnh giác với các tài khoản trên mạng xã hội đang rao bán hồ sơ vay vốn giải ngân trong ngày là giả mạo và có ý định lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Đề cập vấn đề này, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Đà Nẵng cho biết: Muốn vay vốn, khách hàng phải đến trực tiếp ngân hàng để nộp hồ sơ và trực tiếp ký hợp đồng vay vốn với ngân hàng, được giải ngân. Ngân hàng không nhận hồ sơ cho vay qua các trang mạng, ứng dụng xã hội hoặc qua bất cứ trung gian nào. Các ngân hàng cũng không yêu cầu khách hàng chuyển bất cứ khoản tiền nào trước khi giải ngân cho vay. Quy trình vay vốn tại ngân hàng được thực hiện đầy đủ các bước về thẩm định, ký hồ sơ giấy tờ. Do vậy, khách hàng không nên nghe theo các lời chào mời cho vay vốn trên mạng rồi chuyển phí để rơi vào bẫy lừa đảo.