Nhận diện đầy đủ khó khăn vướng mắc để tháo gỡ cho doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên
Vốn ngân hàng “nở hoa” trên Tây Nguyên Vốn ngân hàng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Phải từ hai phía |
Xin Phó Thống đốc cho biết, trong thời gian qua, NHNN đã có giải pháp nào để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp trên địa bàn khu vực Tây Nguyên?
Câu chuyện tiếp cận vốn tín dụng là một trong những vấn đề mà NHNN hết sức quan tâm. Về phía NHNN, thời gian qua đã triển khai nhiều cơ chế chính sách tăng cường tiếp cận tín dụng. NHNN đã và đang chỉ đạo các TCTD hết sức quan tâm, tích cực đẩy mạnh mở rộng tín dụng từ nay đến cuối năm cũng như thời gian tới. Qua đó tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp vừa giải quyết khó khăn do tác động kép của nền kinh tế thế giới cũng như nội tại doanh nghiệp.
Để tăng khả năng tiếp cận tín dụng, ngoài ban hành cơ chế chính sách khá đầy đủ, NHNN đẩy mạnh tổ chức nhiều chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên toàn quốc. Thông qua các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với doanh nghiệp những khó khăn vướng mắc được đưa ra cùng giải quyết. Tại Hội nghị lần này tại khu vực Tây Nguyên sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi liên quan vấn đề về điều kiện tiếp cận tín dụng, lãi suất, các ngành nghề có tính chất đặc thù cần hỗ trợ tại Tây Nguyên, với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, DN, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Một số doanh nghiệp đang kiến nghị cần có chính sách đặc thù đối với cho vay tại khu vực Tây Nguyên. Xin Phó Thống đốc cho biết quan điểm, định hướng của NHNN về vấn đề này?
Chúng tôi rất hiểu đặc thù của 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Có thể nói những năm qua, ngành Ngân hàng rất chú trọng dành vốn lớn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và những ngành đặc thù khu vực này như cây cà phê, tiêu, điều, gần đây có thêm sầu riêng, một số sản phẩm khác.
Tôi hoàn toàn đồng tình đối với đề xuất cần có cơ chế đặc thù riêng cho khu vực Tây Nguyên nhất là đối với cây cà phê. Trước đây đã có chương trình tái canh cây cà phê nhưng thực hiện được trọn vẹn. Do đó, để giúp cây cà phê trở thành cây thế mạnh, chủ lực của khu vực Tây Nguyên, trong thời gian tới, NHNN cùng các NHTM có dư nợ cho vay cà phê lớn sẽ tiếp tục nghiên cứu để có các cơ chế chính sách phù hợp tích cực nhất để để hỗ trợ cho 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Sau Hội nghị, NHNN sẽ chỉ đạo Agribank, ngân hàng 100% vốn nhà nước, cho vay chủ lực lĩnh vực nông nghiệp là đầu mối cùng các NHTM khác nghiên cứu, khẩn trương đưa ra các giải pháp hỗ trợ mở rộng tái canh cây cà phê, giúp cho việc thu mua chế biến xuất khẩu hiệu quả nhất. Đây là vấn đề thời gian tới cần quan tâm nhiều hơn.
NHNN nhận diện đầy đủ các vướng mắc của doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên. Trên cơ sở đó sẽ chỉ đạo các TCTD mạnh dạn hơn cùng các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề khó khăn vướng mắc trong tiếp cận tín dụng. Chẳng hạn hai bên ngân hàng - doanh nghiệp tích cực chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau qua việc mạnh dạn cho vay tín chấp, theo dõi dòng tiền, giảm bớt thủ tục tài sản thế chấp bằng BĐS. Song, nguyên tắc an toàn vốn vẫn là nội dung mà các TCTD vẫn phải đảm bảo. Đây là vấn đề NHNN quan tâm và sẽ chỉ đạo các NHTM làm mạnh hơn thời gian tới.
Ngoài cơ chế đặc thù, doanh nghiệp yêu cầu ngân hàng có chính sách vay vốn làm sao phục vụ kịp thời vốn cho doanh nghiệp khi mùa vụ tới. Phó Thống đốc đánh giá sao về đề xuất trên?
Đúng là lúc vào mùa vụ, doanh nghiệp rất cần hỗ trợ vốn nhanh, kịp thời. Do đó, để giải quyết câu chuyện này, các NHTM phải theo rất sát, nắm bắt xu hướng, tính toán hiệu quả, thực trạng thị trường tiêu thụ, bám sát nhu cầu vốn của doanh nghiệp nói riêng cũng như toàn bộ ngành nghề ở địa phương để đưa ra hạn mức tín dụng phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động của các ngân hàng cần có sự phối hợp chặt chẽ, tốt hơn của các địa phương, các sở ban ngành, hiệp hội với ngân hàng để làm sao bà con tiếp cận vốn phục vụ cho mùa vụ. Trên cơ sở đó, đến khi vào mùa vụ, ngân hàng đã sẵn sàng cơ chế để có thể cho vay nhanh nhất, thuận lợi nhất, không làm mất cơ hội của bà con nông dân và doanh nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu, thu mua chế biến tránh thua thiệt so với doanh nghiệp FDI ngay trên sân nhà.
Xin cảm ơn Phó Thống đốc!
Nhóm phóng viên thực hiện