Nhận diện rủi ro, chủ động phòng ngừa gian lận trong thanh toán
Phòng ngừa gian lận, lừa đảo giao dịch điện tử: Nhận thức đúng, đủ |
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố mới đây, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025. Thời gian này cũng trùng khớp với mục tiêu nâng tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đạt 20% GDP trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Những mục tiêu trên có thể trở thành hiện thực khi ngành Ngân hàng tăng cường kết nối với mọi lĩnh vực trong nền kinh tế bằng thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng ngân hàng mở, ngân hàng số…
Theo thông tin tại hội thảo Future Banking 2023 với chủ đề “Ngân hàng tương lai xanh, an toàn, sáng tạo, chống gian lận” diễn ra cuối tuần qua, hạ tầng cung ứng dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số đa dạng, 52 ngân hàng có Mobile Banking, 85 ngân hàng có Internet Banking, trên 499 nghìn POS, 51 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép. Nhờ đó, 77,41% dân số trưởng thành Việt Nam đã có tài khoản thanh toán, tốc độ tăng trưởng về lượng giao dịch số bằng điện thoại tăng trung bình 99,06%/năm, bằng internet 51,52%/năm; tốc độ tăng giá trị giao dịch bằng điện thoại đạt 136,35%/năm, bằng internet 42,02%/năm.
Tuy nhiên theo ông Phan Thanh Đức (Học viện Ngân hàng), mặc dù ngân hàng mở ra nhiều sản phẩm, dịch vụ, nhưng đi kèm với đó là các nguy cơ cho các đối tượng tội phạm mạng tấn công thâm nhập, thực hiện hành vi gian lận trong thanh toán cao hơn. Rủi ro từ các cuộc tấn công mạng xuất hiện ở mọi ngành, lĩnh vực, nhưng dường như riêng ngành tài chính - ngân hàng xuất hiện nhiều hơn, ông Đức bày tỏ lo ngại. Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thừa nhận, các vụ tấn công mạng liên quan đến tài chính - ngân hàng trên thế giới ngày càng tăng với mức độ thiệt hại ngày càng lớn hơn; trong đó hầu hết là website giả mạo các tổ chức tài chính - ngân hàng. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 11 tháng 2023 đã nhận gần 16.000 phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng Internet tại Việt Nam gửi đến qua các hệ thống cảnh báo. Trong đó hơn 91% cảnh báo này liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.
Khi xảy ra gian lận thanh toán, các ngân hàng phải gánh chịu những tổn thất không chỉ về vật chất, nguồn nhân lực mà còn có thể khiến cho uy tín bị ảnh hưởng. Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lý giải, do nền kinh tế đang trì trệ, người lao động mất việc làm, mất thu nhập nên nghĩ đến cách kiếm tiền bất hợp pháp. Không chỉ cá nhân mà những tổ chức lừa đảo bằng công nghệ cao cũng tham gia vào quá trình này và đều nhắm đến hệ thống tài chính - ngân hàng. Để đối phó với vấn đề này, các ngân hàng không ngừng nâng cao tính bảo mật, triển khai các “hàng rào lửa”; đồng thời liên tục có những cảnh báo đến khách hàng những hình thức lừa đảo mới.
Ở góc độ cơ quan quản lý, NHNN Việt Nam cũng đã tăng cường phối hợp với các cơ quan và tổ chức liên quan trong công tác phòng, chống tội phạm về hoạt động thanh toán; cập nhật, cảnh báo kịp thời những phương thức và thủ đoạn tội phạm mới. Đồng thời, NHNN ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các đơn vị trong toàn Ngành về tăng cường phòng, chống, ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng dịch vụ thanh toán; Ngành Ngân hàng cũng rất tích cực Triển khai Kế hoạch phối hợp 01/KHPH-BCA-NHNN về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06.
Dù có lớp bảo vệ kỹ càng nhưng thực tế, bất kỳ ai ngay cả các chuyên gia giàu kinh nghiệm cũng có khả năng trở thành nạn nhân của tội phạm mạng nếu không đề cao cảnh giác và bảo vệ thông tin cá nhân. Do đó, ông Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, người dân cần tăng cường đề cao cảnh giác khi sử dụng tài khoản và các thao tác khác trên điện thoại thông minh. Về phía nhà cung cấp dịch vụ, cần tăng cường đầu tư bảo mật, an toàn thông tin cho hệ thống thanh toán không bị gián đoạn, có khả năng phục hồi nhanh nhất ngay cả khi có sự cố xảy ra; Đồng thời ngân hàng nên tăng cường đào tạo, nâng cao kiến thức của nhân viên về các rủi ro để họ cảnh giác trước chiêu thức của tội phạm mạng về lừa đảo, rửa tiền. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cũng xem xét cho phép các ngân hàng thuê phần mềm của công ty kỹ thuật số để gia cố lớp bảo vệ.
“Muốn mở rộng không gian thanh toán số, dữ liệu ngày càng mở thì chúng ta cũng phải chấp nhận những rủi ro đi kèm. Quan trọng là cách chúng ta đối mặt, chủ động phòng ngừa và nhanh chóng xử lý, khắc phục khi có tình huống xấu xảy ra”, ông Hiếu chia sẻ quan điểm.