Nhân lực Fintech, không để “nước đến chân mới nhảy”
Fintech - xu hướng của hiện tại và tương lai
Với xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) đã và đang trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Việt Nam nằm trong số những quốc gia có tiềm năng phát triển về Fintech. Bởi, tỷ lệ sử dụng internet của người dân cao (80% dân số), sử dụng điện thoại thông minh cũng tương tự (84%, dự báo sẽ tiệm cận 100% trong thời gian ngắn). Thương mại điện tử cũng phát triển mạnh. Đặc biệt, đến nay phương thức thanh toán không tiền mặt đang được khuyến khích. Nhiều người dân Việt Nam hiện đã sử dụng các loại ví điện tử. Mã QR cũng đã dần trở thành phương thức thanh toán thay thế cho sử dụng tiền mặt.
Theo BDA Partners, năm 2023 giá trị giao dịch của toàn thị trường Fintech của Việt Nam, đạt 27,2 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 31,6 tỷ USD vào năm 2024. Trên thực tế, đến nay người sử dụng dịch vụ tài chính, nhất là cộng đồng trẻ, đã dần quen với các thương hiệu Fintech như ví điện tử momo, payoo, moca, zalopPay hay ViettelPay; đến các nền tảng thanh toán: tikop, Iifina, finhay…
Theo ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng, Fintech mang đến nhiều trải nghiệm tiện lợi nhanh chóng, giúp người dùng tiết kiệm chi phí; xóa bỏ rào cản địa lý, gia tăng khả năng tiếp cận nhóm người yếu thế trong xã hội, có tính cá nhân hóa cao. Từ đó, đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu từng đối tượng khách hàng…
Nằm trong xu hướng đó, ở khu vực miền Trung, TP. Đà Nẵng đang hướng trở thành một trung tâm tài chính, cụ thể hơn là một trung tâm Fintech. Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Fintech đang trở thành một trong những “trụ cột” quan trọng của kinh tế số, đặc biệt đối với Đà Nẵng. Thành phố có đề án “Xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực”. Trong đó, Fintech là cấu phần quan trọng để hình thành, phát triển trung tâm tài chính theo Kết luận số 79-KL/TW và Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.
TP. Đà Nẵng đang hướng trở thành một trung tâm tài chính ở khu vực. |
Hiện, địa phương cũng đang tập trung phát triển Fintech để bắt kịp xu thế toàn cầu. Thuận lợi là thành phố có số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn, bên cạnh cơ sở hạ tầng công nghệ ngày càng hiện đại. Đặc biệt, mục tiêu phủ sóng 5G toàn thành phố vào năm 2030 sẽ là nền tảng thu hút các tập đoàn công nghệ và các doanh nghiệp Fintech lớn. Điều này, không chỉ giúp Đà Nẵng đi tắt đón đầu mà còn tạo cơ hội để thành phố cạnh tranh với các trung tâm tài chính khác.
Chủ động nguồn nhân lực
Trong tương lai gần, Đà Nẵng với định hướng trở thành trung tâm tài chính, nơi có môi trường đầu tư hấp dẫn, hứa hẹn sẽ có nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech, tìm đến và đầu tư, mở trụ sở, chi nhánh, hoạt động tại đây...
Bởi vậy, dự báo lĩnh vực Fintech ở địa phương sẽ khan hiếm nguồn nhân lực, nếu không có sự chuẩn bị. Thực tế, việc phát triển ngành Fintech ở địa phương bên cạnh những cơ hội, tiềm năng là thách thức, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi nhân lực không những có kiến thức về tài chính ngân hàng mà còn cần kiến thức, kỹ năng liên ngành về ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ và năng lực hội nhập quốc tế…
Theo PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (VKU), (Đại học Đà Nẵng), chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực liên ngành, những người vừa có kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin, vừa hiểu biết về tài chính - ngân hàng và đồng thời sử dụng ngoại ngữ thành thạo. Việt Nam chúng ta có lực lượng lao động dồi dào, nhưng nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu cao của ngành Fintech vẫn còn khá hạn chế. Một trong những lý do chính là sự thiếu hụt các chương trình đào tạo liên ngành, tại các cơ sở giáo dục đại học…
TP. Đà Nẵng đã và đang tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực cho lĩnh vực Fintech. |
Nhằm giải quyết vấn đề nhân lực trên lĩnh vực này, không để xảy ra tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đã bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành Công nghệ tài chính từ năm 2022. Tương tự, Trường Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn cũng dự kiến tuyển sinh ngành Fintech từ năm 2025 với 60 chỉ tiêu và định hướng đào tạo tăng cường giảng dạy 100% tiếng Anh, kết hợp thực tập, thực tế tại doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ cho Đà Nẵng cũng như các địa phương khác trong cả nước.
Đặc biệt, mới đây VKU đã tổ chức lễ khai trương VKU Fintech Hub - Trung tâm đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. VKU Fintech Hub ra đời với các trang thiết bị hiện đại, hệ thống các phần mềm chuyên dụng về phân tích dữ liệu tài chính, phần mềm mô phỏng, được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, hệ thống các phần mềm chuyên dụng về phân tích dữ liệu tài chính… Trung tâm được kỳ vọng sẽ trở thành nơi khởi nguồn cho những ý tưởng sáng tạo, kết nối các nhà đầu tư, chuyên gia và doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech. Tư đó, ươm mầm cho những ý tưởng đột phá, phục vụ sự phát triển của cả ngành công nghệ tài chính ở khu vực.
Bên cạnh nguồn nhân lực, việc phát triển Fintech còn phải đối mặt với những rủi ro an ninh mạng, nếu người dùng cuối không có kinh nghiệm, thiếu hiểu biết sẽ gánh chịu hậu quả lớn nên cần có giải pháp xử lý hiệu quả... Bởi vậy, theo nhiều chuyên gia, để tiếp tục thúc đẩy công nghệ tài chính, Đà Nẵng phải có đủ hệ sinh thái Fintech tại địa phương, cần có sự tham gia của tất cả các bên như: khách hàng; định chế tài chính, mạng lưới ngân hàng; đặc biệt là định hướng giám sát của cơ quan chức năng…