Nhân lực ngành nông nghiệp: Cần đào tạo với tư duy mở
Phát triển nhân lực nông nghiệp trong CMCN 4.0 Xuất khẩu nông lâm thủy sản nửa đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD Dồi dào vốn đầu tư cho nông nghiệp |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. |
Ngày 11/7/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Hội nghị hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn” với sự tham dự của trên 300 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, các tập đoàn, các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp ngành nông nghiệp.
Sinh viên theo học ngành nông nghiệp giảm 30%
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay trên cả nước có khoảng 50 cơ sở đào tạo đại học có đào tạo các chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiêp, thủy sản và thủy lợi.
Trong thời gian qua, các cơ sở đào tạo đã cố gắng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; đổi mới công tác tuyển dụng, thu hút, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên qua đó chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng từng bước được cải thiện.
Theo ông Ngô Hồng Giang - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), những nỗ lực, cố gắng trên đã đóng góp quan trọng vào việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, góp phần quan trọng cho việc hoàn thiện chính sách quản lý, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nền móng đưa Việt Nam có vị trí cao trong số những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, ông Giang cho biết bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp còn bộc lộ một số tồn tại, thách thức, như tỷ lệ lao động ngắn hạn, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ trình độ sơ cấp trở lên được đào tạo còn chiếm tỷ lệ thấp, dưới 5%.
Tỷ lệ học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm hơn 30% so với giai đoạn 2011-2015. Năm 2022, tỷ lệ này chiếm chưa đến 2% trong tổng số khoảng 520.000 sinh viên nhập học trên toàn quốc và có xu hướng tiếp tục giảm. Trong đó, một số ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản truyền thống là khoa học đất, khuyến nông, khai thác thủy sản, quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo; lâm sinh, lâm học, quản lý tài nguyên rừng… có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký theo học.
Điều đó đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ và sản xuất, chế biến, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp; đặc biệt là mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Ông Giang lý giải nguyên nhân, một phần là do thu nhập của lao động trong ngành nông, lâm và thuỷ sản còn thấp, chỉ bằng khoảng 50% so với các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Bên cạnh đó, một số trường còn tư duy bao cấp, chưa quyết liệt trong công tác tuyển sinh, chủ động đổi mới công tác quản trị, nội dung và phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu người học và thị trường lao động. Nguồn lực đầu tư của nhà nước còn ít và dàn trải, trang thiết bị giảng dạy và nghiên cứu còn nghèo nàn, lạc hậu.
Đưa sinh viên đến trang trại, nhà máy
Ông Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển bền vững Tập đoàn PAN cho biết, hiện nay, việc đào tạo nhân lực còn gặp một số khó khăn như nguồn lực phân bố chưa đồng đều, các tỉnh xa thiếu nguồn lao động không có chuyên môn.
Theo ông Trung Anh, các chương trình đào tạo và thực tập thực tế nên có sự hợp tác với các doanh nghiệp nông nghiệp. Các chương trình đào tạo có thể được thiết kế để kết hợp giải quyết những vấn đề thực tế của doanh nghiệp, chú trọng sử dụng công nghệ và thực hành bền vững.
Bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành nông nghiệp rất cao, sự kết hợp giữa trường đào tạo với doanh nghiệp là mối quan hệ cần thiết.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đổi mới 43 chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn, xây dựng và phát triển 9 chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp (POHE), tăng kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn của sinh viên. Nhờ đó, tỷ lệ sinh viên có việc làm đã tăng lên 97%, công tác tuyển sinh cũng thuận lợi, thu hút được nhiều sinh viên khá, giỏi vào lĩnh vực nông nghiệp.
Đánh giá về vai trò của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định đây vừa là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của ngành, vừa là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các trường, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nông nghiệp.
Theo ông Hoan, trường học là nơi dạy kiến thức, kỹ năng, thái độ sống, còn doanh nghiệp đến trường học để dạy cho học sinh, sinh viên biết ước mơ. Hợp tác với doanh nghiệp giúp đưa phương pháp luận về tư duy kinh tế, tư duy thị trường đến giảng đường, để hiểu rằng, đào tạo cuối cùng để trang bị kỹ năng cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường.
Ông Hoan cho rằng cần đổi mới đào tạo nhân lực với tư duy mở, dưới sự đồng hành của các doanh nghiệp; đưa sinh viên ra ngoài giảng đường, đến các trang trại, phân xưởng, nhà máy của các doanh nghiệp.
"Các trường học, cơ sở đào tạo hãy mở rộng hợp tác đào tạo vì kiến thức thay đổi rất nhanh, chỉ doanh nghiệp hoạt động kinh tế mới có khả năng cập nhật kiến thức thị trường nhanh nhạy", ông Hoan chia sẻ.