Nhân sự ngân hàng dự báo thay đổi lớn?
Cần tái cơ cấu nhân sự phù hợp với ngân hàng số |
Xu hướng tinh giản nhân sự
Trong bối cảnh máy móc ngày càng làm được nhiều việc như con người với mức độ chính xác cao hơn, đặc biệt hiệu quả đối với các công việc như thu thập, làm sạch và phân tích dữ liệu. Theo nghiên cứu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, ước tính trong 2-3 năm tới, máy móc có thể thay thế khoảng 30% công việc tại ngân hàng. Các nhà băng tại Úc và New Zealand từ năm 2015 đã tiết kiệm chi phí thường niên khoảng 30% nhờ hơn 40 quy trình tác nghiệp được tự động hoá, việc mở tài khoản cũng giảm xuống chỉ còn 5 phút. Hay như Morgan Stanley cũng áp dụng trí tuệ nhân tạo trong dịch vụ tư vấn tài chính...
Kết quả nghiên cứu của Mike Mayo - nhà phân tích cấp cao tại Wells Fargo Securities đưa ra, sẽ có 200.000 nhân viên ngân hàng sắp thất nghiệp. Theo nghiên cứu này, hàng năm các công ty tài chính Mỹ chi 150 tỷ USD cho công nghệ, giúp chi phí vận hành của ngành ngân hàng ở Mỹ giảm xuống. Áp dụng công nghệ khiến cho các nhân sự khối hỗ trợ nghiệp vụ, chi nhánh ngân hàng, tổng đài và khối khách hàng doanh nghiệp sẽ bị cắt giảm tới 1/3 lao động.
Tháng 5 vừa qua, McKinsey & Co đưa ra nhận định số lượng nhân sự trực tiếp tiếp xúc với khách hàng trong ngành ngân hàng sẽ bị giảm xuống khoảng 1/3 do sự phát triển của robot.HSBC cũng đang có kế hoạch cắt giảm 10.000 nhân viên để giảm thiểu chi phí. Tháng 8 vừa qua, Deutsche Bank của Đức cũng tuyên bố sa thải 18.000 nhân viên, Citigroup, Barclays... cũng đều có kế hoạch cắt giảm nhân sự trong năm nay.
Với Việt Nam, theo kết quả điều tra mới đây của NHNN, 62,8% TCTD cho biết đã hoặc sẽ tuyển thêm lao động - thấp hơn tỷ lệ dự kiến 64,6% đưa ra tại cuộc điều tra tháng 6/2019; 28,4% TCTD dự kiến giữ nguyên số lượng lao động và có 8,8% TCTD dự kiến cắt giảm lao động.Như vậy, có thể thấy một số TCTD đã dự kiến số nhân sự tính đến cuối năm 2019 sẽ giảm so với cuối năm 2018.
Trao đổi với một chuyên gia tài chính - ngân hàng, vị này cho rằng cần nhìn nhận việc cắt giảm nhân sự ở mỗi một nhà băng đến từ nguyên do khác nhau. Điều tra của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) cũng chỉ ra rằng các TCTD liên tục điều chỉnh giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2019 qua các kỳ điều tra từ 15,27% xuống còn 13,61%.
Thực tế, hiện nay dù đã có sự tiết giảm nhưng việc tăng trưởng kinh doanh của hầu hết ngân hàng Việt gánh nặng vẫn phụ thuộc vào tín dụng. Khi kỳ vọng tăng trưởng dư nợ tín dụng giảm, phần nào cũng đồng nghĩa với kết quả, mục tiêu kinh doanh giảm xuống. Dẫn đến việc các ngân hàng Việt Nam cần có sự tiết giảm để cơ cấu chi phí (bao gồm cả tiết giảm về mặt chi phí nhân sự), từ đó có thể tăng tỷ lệ lợi nhuận lên.
Việc tự động hoá trong quy trình hoạt động của ngân hàng Việt Nam chưa thật sự cao như với nhiều nhà băng trên thế giới, nên ở thời điểm này theo chuyên gia, ảnh hưởng của công nghệ chưa phải là tác nhân lớn dẫn đến giảm nhân sự ở Việt Nam. Tuy vậy, xét về lâu dài, chắc chắn nhân sự ngân hàng Việt Nam sẽ có sự biến đổi, khi công nghệ dần thay thế thao tác của con người.
Công nghệ thay thế con người
PwC nhận định, gần 80% các CEO trong ngành Ngân hàng và thị trường vốn lo lắng về tình trạng thiếu hụt nhân sự có kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng cần thiết để đổi mới sáng tạo và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và nhóm nghiên cứu cho rằng, các CEO ngân hàng trên thế giới cũng như tại Việt Nam sẽ phải giải quyết hai vấn đề lớn. Thứ nhất là đào tạo/tuyển dụng nhân sự có kỹ năng sử dụng công nghệ để phục vụ nhu cầu khách hàng và tăng cường hiệu quả từ tương tác trực tiếp giữa nhân viên và khách hàng. Thứ hai, ngân hàng cần định hướng phát triển và tái cơ cấu nhân sự để phù hợp với mô hình và phương thức kinh doanh mới của ngân hàng số.
Trước khi bàn tới việc tuyển thêm nhân sự hay việc đào tạo nguồn nhân lực từ các trường đại học, cao đẳng, ông Lực nhận thấy các ngân hàng phải có chính sách điều chỉnh nguồn nhân lực theo hướng gia tăng nhân sự ở các mảng việc liên quan công nghệ, ra quyết định, tư vấn và giảm nhân sự trong các lĩnh vực tác nghiệp, các lĩnh vực tự động hoá có thể thay thế, thậm chí làm tốt hơn con người. Đơn cử như thay vì tổng hợp dữ liệu từ bộ phận phân tích nhận diện khách hàng sẽ thay thế bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích, phát hiện ra các trường hợp bất thường, phân tích, đánh giá rủi ro; sử dụng trí tuệ nhân tạo để phê duyệt các khoản vay nhỏ...
TS. Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cũng chia sẻ, với những yêu cầu hoặc vị trí công việc đòi hỏi kỹ năng và trình độ công nghệ thông tin cao, ngân hàng có thể xem xét việc thuê hoặc tuyển dụng mới nhân sự. Với từng dự án phát triển sản phẩm riêng biệt không đòi hỏi thời gian quá dài, nhà băng có thể hợp tác/thuê ngoài với thời hạn phù hợp. So với việc sắp xếp hay đào tạo lại nhân sự, việc đi thuê có thể rút ngắn quá trình phát triển sản phẩm dịch vụ cho ngân hàng.
Song “nếu đặt trong chiến lược phát triển lâu dài, ngân hàng vẫn phải cân nhắc tới số lượng, vai trò của các vị trí nhân sự theo hình thức hợp đồng vì sự gắn bó, trách nhiệm và tính bảo mật thông tin của họ”, bà Hiền nhấn mạnh.