Nhật Bản: Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 40 năm chạm đỉnh 16 năm
Nhật Bản: Xuất khẩu giảm lần đầu tiên sau 10 tháng Nhật Bản: Lạm phát cơ bản chậm lại trong tháng Chín |
Nguyên nhân chính được cho là do sự điều chỉnh kỳ vọng của thị trường về lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 40 năm của Nhật Bản chạm đỉnh 16 năm |
Xu hướng bán tháo trái phiếu đang diễn ra trên diện rộng, không chỉ ảnh hưởng đến thị trường Nhật Bản mà còn lan sang các nền kinh tế lớn khác như Mỹ và Đức. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt mốc 4,2% lần đầu tiên kể từ tháng 7, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ các nước châu Á cũng đồng loạt tăng.
Chuyên gia Katsutoshi Inadome từ Sumitomo Mitsui Trust Asset Management nhận định, áp lực tăng lợi suất tại Nhật Bản đến từ cả yếu tố quốc tế lẫn trong nước. Trong khi lợi suất toàn cầu tiếp tục leo thang, sự suy yếu của yên Nhật so với đồng USD càng làm gia tăng áp lực này.
Các phát biểu gần đây của quan chức Fed cho thấy khả năng Fed sẽ thận trọng hơn trong việc cắt giảm lãi suất, khiến giới đầu tư phải đánh giá lại triển vọng chính sách tiền tệ của Mỹ. Điều này thúc đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ tăng và đồng thời kéo yên Nhật xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7, giao dịch quanh ngưỡng 151,80 JPY/USD.
Thị trường cũng đang dấy lên đồn đoán về khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ đẩy nhanh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ. Dù BoJ được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,25% trong cuộc họp tháng này, thị trường đang dự đoán xác suất 66% khả năng BoJ sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 1/2025.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba mới đây đã bày tỏ quan điểm tìm kiếm sự đồng thuận với BoJ, sau khi đưa ra những bình luận cho rằng Nhật Bản chưa sẵn sàng cho việc tăng lãi suất. Trong khi đó, IMF lại tỏ ra lạc quan về khả năng kiểm soát lạm phát của Nhật Bản và dự báo BoJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất một cách thận trọng.
Bên cạnh những yếu tố vĩ mô, nhu cầu suy giảm từ các công ty bảo hiểm nhân thọ - vốn là nhà đầu tư chủ chốt của trái phiếu chính phủ dài hạn - cũng góp phần đẩy lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm và 40 năm của Nhật Bản tăng cao.
Cuối cùng, tình hình tài chính của chính phủ và cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản vào cuối tuần này cũng tạo thêm áp lực lên thị trường trái phiếu. Giới đầu tư lo ngại rằng nếu liên minh cầm quyền (đảng Dân chủ tự do (LDP) và đảng Komeito) không giành được đa số ghế, bất ổn chính trị sẽ gia tăng, kéo theo áp lực mở rộng ngân sách và đẩy lợi suất trái phiếu đi lên.
"Nếu LDP và Komeito không giành được đa số, điều đó sẽ dẫn đến tình trạng chính trị bất ổn và áp lực mở rộng ngân sách sẽ tăng lên", Yusuke Ikawa, chiến lược gia thị trường tại BNP Paribas Securities Japan cho biết.