Nhiệt điện khí chờ đòn bẩy đầu tư
Bộ Công thương đang tính toán để đưa nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) thay thế các dự án nhiệt điện chạy than trong tương lai gần. Tuy nhiên vướng mắc hiện nay là nguồn cung khí tự nhiên trong nước đang giảm dần trong khi vẫn còn tồn tại nhiều rào cản để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Thách thức và triển vọng thị trường gas”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây.
Đầu tư nhiệt điện khí ga là xu hướng nóng trên thế giới |
Nhiều thuận lợi cho phát triển điện khí gas
Theo bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng Dầu khí và Than, Bộ Công thương, ngành công nghiệp khí gas đang ngày càng phát triển và cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước, không xảy ra thiếu hụt nguồn cung. Hiện nguồn LNG trong nước đáp ứng được 45% nhu cầu tiêu thụ. Trong tương lai, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu ngày càng nhiều loại khí này để phục vụ cho các cụm công nghiệp nặng. Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam bắt đầu phải nhập khẩu khí gas phục vụ cho mục đích phát điện.
Bà Quỳnh cho hay, trên thế giới, nguồn năng lượng sạch như điện tái tạo, điện khí gas đang trở thành xu thế mới và Việt Nam không thể nằm ngoài. Hiện nay, Việt Nam đang có nguồn khí nhập về thuận lợi, trong đó đặc biệt là LNG từ Mỹ được vận chuyển với mức chi phí khá rẻ về Việt Nam.
Đồng thời, nguồn vốn đầu tư cho LNG phát điện trong nước hiện nay khá nhiều. “Tất cả các bàn thảo năng lượng gần đây đều nói về LNG và các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng đến với Việt Nam đều quan tâm đến LNG”, bà Quỳnh cho hay. Đại diện Bộ Công thương cũng bổ sung, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đã hợp tác và đặt kế hoạch xây dựng nhà máy phát điện khí LNG tại Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp Nhật Bản, Mỹ đã có ý định đầu tư về LNG ở Cà Ná, Ninh Thuận.
Mặc dù vậy, việc phát triển điện khí gas còn nhiều rào cản, đặc biệt là về chính sách. Bà Quỳnh cho biết, điều này do đầu tư vào khí gas hóa lỏng vẫn còn rất mới ở Việt Nam. Cùng với đó, chi phí đầu tư còn cao khiến lĩnh vực này cũng kém hấp dẫn.
“Khó khăn chính vẫn là cụm khí-điện-đạm hiện nay khó cạnh tranh về giá bán điện so với điện than, thủy điện nên cần xem xét thấu đáo hơn. Tuy nhiên, khi nhu cầu điện đòi hỏi thì phải huy động đầu tư tư nhân vào sản xuất điện bằng LNG”, bà Quỳnh nói.
Gỡ nút thắt về giá
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tính toán, trong nhiều năm qua các trung tâm điện khí của Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau… đã đóng góp vào hệ thống điện quốc gia trên 500.000 tỷ kWh điện, nhưng đến nay nguồn khí tự nhiên ở đó ngày cảng giảm.
Ông Ngãi cho biết, về quy hoạch cơ cấu nguồn, đến năm 2030, công suất điện than phát triển không quá 60.000 MW; thuỷ điện giảm dần xuống khoảng 18.000 MW; còn nhiệt điện khí dưới 9.000 MW. Các dự án năng lượng tái tạo đang được kêu gọi đầu tư mạnh mẽ, nhưng thực tế mới có dự án ở Bạc Liêu, Bình Thuận được đưa vào vận hành, với hiệu quả còn rất thấp. Hiện cũng nhiều dự án điện mặt trời đang xin cấp phép.
Cùng với đó, ông nhấn mạnh, nhu cầu phát triển năng lượng khí là rất lớn và cấp bách, bất luận trong hoàn cảnh nào. Bởi nguồn năng lượng này đảm bảo được các yếu tố phát triển bền vững.
Vấn đề hiện nay là, theo quy hoạch tới năm 2030, các dự án nhiệt điện khí cho ra sản lượng khoảng 30.000 MW và đến 2050 lên tới 50.000 MW, thì tương ứng với đó, lượng khí hoá lỏng nhập về Việt Nam là bao nhiêu, phân bổ từ các thị trường nào… Bên cạnh đó là giá khí cũng phải hợp lý, vì giá khí cao thì giá điện cũng cao, khó cạnh tranh với các nguồn điện truyền thống khác.
Ông Adam Moncrieff, Luật sư điều hành Công ty luật Allen & Overy khuyến nghị, điện khí ga chính là lựa chọn khả thi trong trung hạn đối với Việt Nam. Tuy nhiên để đầu tư phát triển thị trường này thì cần có chính sách để thu hút đầu tư tư nhân nhằm bổ sung nguồn vốn quan trọng.
Ông lưu ý, hiện còn không ít rào cản với việc đầu tư vào lĩnh vực khí ga. Trong đó, giá điện chính là vấn đề chính. Ông cũng cho rằng, nếu tiếp tục trì hoãn thì trong trung và dài hạn sẽ làm giá điện khí và điện tái tạo trên thị trường tăng cao.
Cùng với đó, ông đề xuất 3 giải pháp chính để nâng cao triển vọng đầu tư vào lĩnh vực khí.
Thứ nhất, tăng giá điện một cách hợp lý để giúp tăng hơn nữa khả năng tài chính của EVN cũng như niềm tin của các tổ chức cho vay và các nhà đầu tư.
Thứ hai, giảm bớt thời gian cho việc phê duyệt dự án đầu tư vào lĩnh vực khí, phát triển cơ sở hạ tầng và dự án điện sử dụng khí. Bởi theo các nhà đầu tư nước ngoài, thủ tục và thời gian thực hiện các dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam so với các nước khác kéo dài hơn rất nhiều.
Thứ ba, rút ngắn thời gian thương lượng và đàm phán cho các vụ nhượng quyền và các hợp đồng mua bán điện qua việc sử dụng các điều khoản về nhượng quyền được chuẩn hoá. Tiếp tục cải cách và khuyến khích môi trường đầu tư với thị trường minh bạch và khả đoán.