Nhiều gói tín dụng chờ người vay
Điều đó sẽ mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng với lãi suất thấp để phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Không chỉ các NHTM Nhà nước, mà các ngân hàng thuộc khối cổ phần cũng tích cực vào cuộc giảm lãi suất. Đơn cử, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) trong tháng 8 liên tiếp tung ra các gói tín dụng cho các loại hình doanh nghiệp và hộ kinh doanh khác nhau, với lãi suất cho vay giảm 2% so với cho vay thông thường. Trong đó, BVBank dành ra 1.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay từ 8,5%/năm, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn bổ sung cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chuẩn bị bước vào mùa cao điểm những tháng cuối năm. Trước đó, ngân hàng này cũng đã đưa ra các chính sách về ưu đãi lãi suất cho vay dành cho các dự án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường.
Một số ngân hàng khác cũng có các gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ, như Sacombank cho vay lãi suất từ 7,2%/năm nếu doanh nghiệp giới thiệu đối tác cho ngân hàng tiếp cận, cung ứng vốn và các dịch vụ thanh toán...
Các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh đang phải cạnh tranh mạnh do sức mua sụt giảm |
Tuy nhiên bài toán khó đối với các ngân hàng hiện nay là nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp đang rất yếu. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng lo ngại rủi ro gia tăng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Chị Lệ Bình, chủ doanh nghiệp nhỏ kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm và vật liệu xây dựng (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, một số ngân hàng báo lãi suất mới với chị đã giảm so với trước, nhưng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thấp. Thực tế thị trường hiện nay kinh doanh ngày càng cạnh tranh, nhiều chủ cửa hàng nhỏ lẻ phải đóng cửa do ít khách, chi phí mặt bằng cao… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ không cạnh tranh nổi với các chuỗi cửa hàng nước ngoài đang đổ bộ vào Việt Nam bán hàng cả trực tiếp và trực tuyến, trong khi vươn ra thị trường quốc tế chưa đủ sức.
Một trường hợp khác, anh Dương Đức Thiện, một nhà khởi nghiệp từ sản phẩm y sinh học và nông nghiệp (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, những nhà khởi nghiệp mới thành lập doanh nghiệp dưới 1 năm, chỉ có ý tưởng kinh doanh và chủ yếu bỏ tiền túi ra hoạt động. Nếu họ tìm vốn từ các Quỹ mạo hiểm thì rủi ro khá cao vì sau khi trình bày kế hoạch kinh doanh dễ bị từ chối và đánh cắp ý tưởng. Anh Thiện chia sẻ, nếu tìm đến ngân hàng thì đây cũng là một đơn vị kinh doanh, họ cho vay cũng cần hạn chế tối thiểu rủi ro để đảm bảo an toàn vốn cho người gửi. Thực tế, khi cho vay các công ty khởi nghiệp (startup), rủi ro đến từ bên rót vốn lẫn bên nhận vốn, bên nhận vốn chưa đủ năng lực phát triển kinh doanh từ các ý tưởng sáng tạo. Nhiều ví dụ về các chuỗi cửa hàng kinh doanh từ các ý tưởng khởi nghiệp thiếu chiến lược kinh doanh nên tỷ lệ thất bại cao, khiến giới đầu tư cho khởi nghiệp khá thận trọng khi cung cấp vốn. Mặc dù cung cấp tín dụng cho khởi nghiệp gặp nhiều rủi ro nhưng một số ngân hàng vẫn dành một nguồn lực nhất định cho vay loại hình này. Đơn cử, HDBank có gói cho vay 6 tháng đến 1 năm, thẩm định phương án kinh doanh của doanh nghiệp thông qua cổng thông tin eCredit của ngân hàng.
Thực tế đó cho thấy, để thúc đẩy tín dụng, nỗ lực của một mình hệ thống ngân hàng là chưa đủ, mà cần có sự chung tay của các cơ quan, ban ngành, địa phương.
Về cơ chế chính sách, ngoài những giải pháp của ngành Ngân hàng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó có một điểm đáng chú ý là Quỹ sẽ bảo lãnh cho vay không quá một dự án, phương án sản xuất kinh doanh (nhằm hạn chế doanh nghiệp trong cùng một giai đoạn vay vốn dàn trải), sau đó sẽ đánh giá hiệu quả, thực tế hoàn trả nợ vay của doanh nghiệp để xem xét cho vay lần tiếp theo. Như vậy, có thể thấy hiện đang có khá nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho các doanh nghiệp, song vấn đề mấu chốt tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các công ty khởi nghiệp cũng cần nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, xây dựng phương án kinh doanh khả thi, hiệu quả.