Nhiều gói vay ưu đãi đang chờ doanh nghiệp
Tìm hiểu các gói vay ưu đãi đang có mặt trên thị trường Nam A Bank triển khai nhiều gói vay ưu đãi giúp khách hàng phát triển kinh doanh dịp Tết |
Bên cạnh việc đăng ký với cơ quan quản lý thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các NHTM cũng tự công bố rất nhiều các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi. Trong đó phải kể đến gói tín dụng Step Up của VietinBank có giá trị đến 300.000 tỷ đồng cho vay vốn kinh doanh với lãi suất 5%/năm. Lãnh đạo VietinBank cho biết, mức lãi suất ưu đãi này áp dụng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng gói dịch vụ của ngân hàng. Ngoài ra, VietinBank triển khai gói tín dụng trị giá 130.000 tỷ đồng cho vay trung dài hạn với lãi suất 5,6%/năm trong 12 tháng đầu; 5,9%/năm trong 18 tháng; 6,5%/năm trong 24 tháng. Sau thời gian ưu đãi, ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay trên cơ sở tham chiếu với lãi suất tiết kiệm 12 tháng trở lên cộng thêm từ 3-4%.
Tại ACB, ngân hàng này triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp sản xuất xanh, phát triển bền vững. Đối với doanh nghiệp xây dựng ngân hàng cam kết bảo lãnh, dàn xếp tín dụng với tỷ lệ hơn 80% giá trị hợp đồng đầu ra và mức ký bảo lãnh từ 0%. Đối với doanh nghiệp thương mại cấp vốn dựa trên lô hàng nhập khẩu trong nước để tài trợ vốn tối đa đến 80% giá trị lô hàng. Các nhà xuất nhập khẩu cũng được ngân hàng tài trợ vốn theo giá trị của thư tín dụng (L/C).
Ngân hàng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản |
Cần thêm vai trò nhà nước trong cho vay theo chuỗi giá trị Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, cho vay vào lĩnh vực tam nông rất hiệu quả và mong muốn chính quyền địa phương thúc đẩy cơ chế đầu tư theo chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông sản. Từ thực tế cho thấy, khi ngân hàng cấp tín dụng cho chuỗi giá trị sản phẩm như tôm, cá… sẽ hình thành liên kết ba nhà là doanh nghiệp - người dân - ngân hàng. Mỗi "nhà" đều có trách nhiệm và quyền lợi. Ngân hàng cho vay có trách nhiệm giám sát dòng tiền và cấp vốn theo tỷ lệ của chuỗi giá trị nên khách hàng không còn lo về hạn mức tín dụng và thiếu tài sản thế chấp vay vốn. Tuy nhiên cần thêm một “nhà” - đó là nhà nước với vai trò tạo ra cơ chế pháp lý để ràng buộc và có chế tài để ngăn chặn không một thực thể nào có thể phá vỡ, chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp. |
Hay tại BIDV có gói chuyên biệt cho vay phụ nữ; SHB cho vay qua internet duyệt hồ sơ nhanh, BVBank đẩy mạnh vào lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Cùng với việc công bố các gói tín dụng “khủng”, các ngân hàng công khai niêm yết lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với lãi suất ngắn hạn bằng VND từ 4-6%/năm và lãi suất trung dài hạn 9%/năm. Nhìn chung các gói tín dụng của các ngân hàng công bố gần đây đều tạo điều kiện cho người vay không chỉ về lãi suất thấp mà thủ tục, quy trình giải ngân cũng rất nhanh chóng, thuận tiện.
Tuy nhiên hiện khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang rất yếu do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó cũng còn không ít vướng mắc về thủ tục pháp lý đang gây khó cho doanh nghiệp. Đơn cử, hiện chưa có cơ quan chức năng nào xác nhận vùng nuôi tôm công nghệ cao để thuận tiện cho ngân hàng xác định giá trị tài sản khi thế chấp vay vốn. Khó khăn nữa là trước đây các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua một công ty nước ngoài, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã có thể xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống siêu thị các quốc gia lớn. Tuy nhiên trong quá trình này doanh nghiệp thường bị chậm thanh toán từ 60 đến 90 ngày. Tiền hàng về từ ngân hàng thu hộ chậm trễ khiến sử dụng dòng tiền của doanh nghiệp giảm hiệu quả.
Bởi vậy theo các chuyên gia, để thúc đẩy tín dụng, cần khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho SXKD. Điều đáng mừng là nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý I/2024 do UOB vừa phát hành rất lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế trong hai tháng đầu năm 2024. Trong đó, các chuyên gia nhìn nhận hiệu ứng chính sách hạ lãi suất của NHNN đã đạt được đến điểm rơi của thị trường khi chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Việt Nam cho thấy cả chỉ số tháng 1 và tháng 2 năm 2024 đều trên 50, so với mức trung bình 49,3 trong tháng 1 và tháng 2 năm 2023 kinh tế khởi sắc sẽ kéo tín dụng tăng nhanh trở lại. Cũng theo ngân hàng Singapore này đánh giá, năm 2024 thay vì tiếp tục hạ lãi suất với các hạn chế trong tính toán mức chặn dưới, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Một trong số đó là việc đưa tín dụng đến người đi vay (tức là các biện pháp định lượng). Hiện nay cơ quan quản lý đang yêu cầu các ngân hàng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cho vay và cải thiện khả năng tiếp cận của doanh nghiệp đến các khoản vay ngân hàng.
Giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, định hướng tín dụng thời gian tới của Vietcombank là an toàn, hiệu quả. 83% tỷ trọng dư nợ của Vietcombank hiện nay tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, gồm khách hàng là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cá nhân. Hiện nay lãi suất không còn là vấn đề, các ngân hàng dư thanh khoản nên sẵn sàng cấp vốn. Cầu tín dụng chủ yếu ở khả năng hấp thụ vốn của khách hàng, cũng như phương án dự án của khách hàng. Theo đó, mỗi doanh nghiệp cần cải thiện những điều kiện của ngân hàng đưa ra để hấp thụ được vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương nhanh chóng hơn trong việc tháo gỡ những vướng mắc thuộc về cơ chế chính sách cho doanh nghiệp liên quan đến vay vốn ngân hàng. Chẳng hạn, chính quyền địa phương cần đẩy nhanh quy hoạch để có cơ sở xác định giá bất động sản, giúp ngân hàng đánh giá tài sản thế chấp vay vốn của khách hàng nhanh chóng, thuận tiện. Hoặc các chính sách tín dụng mới như cho vay năng lượng tái tạo, các bộ ngành Chính phủ... cần có phải có văn bản hướng dẫn, có giá trị pháp lý cụ thể và chặt chẽ ngân hàng mới có thể tham gia đầu tư và cho vay dự án. |