Nhiều kỳ vọng từ Luật Các TCTD sửa đổi
Quốc hội thảo luận về Nghị quyết xử lý nợ xấu và Luật các TCTD sửa đổi Luật các TCTD sửa đổi: Liều thuốc chống lợi ích nhóm |
Cụ thể để kiểm soát tốt ngân hàng yếu kém
Theo Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM), Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi mà NHNN đang lấy ý kiến rộng rãi có khá nhiều điểm tích cực. Theo đó, ngay từ các điều về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định những đối tượng phù hợp với thực tiễn cần quản lý, giám sát.
Việc quy định phạm vi điều chỉnh bao gồm cả “xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu” và đối tượng áp dụng luật bao gồm cả tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ mà chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, cho thấy NHNN rất quyết tâm trong việc luật hóa các quy định liên quan đến mua bán nợ, xử lý nợ xấu, giải quyết triệt để tình trạng yếu kém của một số tổ chức tín dụng.
Một số ngân hàng muốn Luật Các TCTD mở rộng hoạt động ngân hàng bán lẻ |
Tuy nhiên, liên quan đến các quy định cụ thể để triển khai giám sát, xử lý nợ xấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, ban soạn thảo cần tiếp tục bổ sung làm rõ một số nội dung. Chẳng hạn, tại Điều 36 quy định NHNN có quyền đình chỉ, tạm đình chỉ các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tổ chức tín dụng vi phạm Điều 34 hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, cũng quy định “yêu cầu cơ quan có thẩm quyền miễn nhiệm, bầu, bổ nhiệm người thay thế hoặc chỉ định người thay thế nếu xét thấy cần thiết”. Cụm từ “nếu thấy cần thiết”, theo Luật sư Hòa cần làm rõ những trường hợp nào để tránh phát sinh lạm quyền.
Hoặc đối với khoản 5 Điều 160, Luật sư Hòa cho rằng, NHNN cần bổ sung quy định về phổ biến thông tin, kịp thời tuyên truyền các trường hợp kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng để người dân, người gửi tiền yên tâm, không xảy ra tình trạng rút tiền hàng loạt, gây khủng hoảng tài chính.
Nhiều đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cho rằng, việc Dự thảo Luật bổ sung quy định “can thiệp sớm” của NHNN đối với các tổ chức tín dụng (điều 129) là biện pháp cần thiết để bảo đảm tính thanh khoản, an toàn hệ thống, ngăn chặn sự cố rút tiền hàng loạt và ổn định an ninh, trật tự xã hội. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn về thời gian áp dụng biện pháp can thiệp sớm để xác định thời gian của khoản cho vay đặc biệt. Từ đó đảm bảo khả năng thanh toán khoản vay và đo lường các rủi ro.
Trong khi đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, NHNN cần xem xét bổ sung thêm các quy định bảo vệ quyền lợi khách hàng khi tổ chức tín dụng ngừng giao dịch trực tuyến. Ví dụ như quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục, nghĩa vụ báo cáo đối với các trường hợp này.
Nên mở hơn cho các khoản vay nhỏ
Liên quan đến hoạt động nghiệp vụ cho vay và kinh doanh của các tổ chức tín dụng, đại diện nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) tại TP.HCM cho rằng, Dự thảo Luật nên xem xét bổ sung các quy định cởi mở hơn để các ngân hàng chủ động gia tăng độ phủ các sản phẩm, dịch vụ tài chính tín dụng.
Ông Nguyễn Đức Thái Hân, Phó tổng giám đốc ACB cho rằng, tại điều 93, dự luật có quy định yêu cầu tổ chức tín dụng phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn, khả năng tài chính, biện pháp đảm bảo tiền vay… Tuy nhiên, trên thực tế các hình thức cấp tín dụng như thẻ tín dụng, cho vay thấu chi, tín chấp thì việc yêu cầu cung cấp tài liệu như trên sẽ gây khó khăn cho việc phát triển tín dụng tiêu dùng. Do vậy ban soạn thảo nên xem xét không áp dụng quy định này đối với các hoạt động cho vay tiêu dùng của các NHTM.
Theo ông Hân, khoản 3, điều 90 dự thảo luật quy định “các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng thực hiện theo hướng dẫn của NHNN”. Tuy nhiên, quy định này hơi gò bó, hạn chế tính chủ động của các tổ chức tín dụng. Vì thế nên bổ sung thêm quy định cho phép các tổ chức tín dụng được phép hoạt động kinh doanh khác theo “pháp luật hoặc tập quán quốc tế có liên quan”, để các ngân hàng có thể triển khai các sản phẩm mới. Chẳng hạn như các sản phẩm phái sinh, sản phẩm quản lý dòng tiền, hợp đồng chia sẻ rủi ro… mà nhiều quốc gia đã áp dụng.
Về phía các ngân hàng nước ngoài, bà Phan Thị Hồng Thúy, đại diện Nhóm Công tác ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (BWG) cho rằng, việc Dự thảo Luật giảm giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng và người liên quan (không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng) là quá chặt chẽ, bởi tỷ lệ này ở luật cũ là 25%. Vì thế NHNN nên xem xét giữ lại các tỷ lệ cấp tín dụng cũ để các ngân hàng quy mô nhỏ, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nhiều cơ hội tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh đó, BWG cũng đề xuất Dự thảo Luật cần bổ sung, cụ thể hóa các quy định liên quan đến tài chính xanh. Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã có những cam kết về tăng trưởng xanh và giảm phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời đây cũng là mảng hoạt động rất cần sự tham gia của các ngân hàng và nhiều tổ chức tín dụng trên thế giới đang triển khai rất hiệu quả, có tác động tích cực đến danh tiếng, thứ hạng và mức độ tín nhiệm của các tổ chức tín dụng.