Nhiều mô hình phổ cập bảo hiểm hiệu quả
“Kế hoạch nhỏ” để mua bảo hiểm
Theo ghi nhận của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre, từ tháng 9/2022 đến nay, mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” tại địa phương này đã phát triển được hơn 400 tổ phụ nữ với gần 1.700 người tham gia.
Từ mô hình ban đầu được áp dụng tại TP. Bến Tre, đến hiện nay tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn, địa phương đều đã nhân rộng, thành lập các tổ phụ nữ tiết kiệm để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế . Theo đó, mỗi thành viên sẽ tiết kiệm chi tiêu sinh hoạt ít nhất 10.000 đồng mỗi ngày để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức thấp nhất hàng tháng là 297.000 đồng. Đến kỳ sinh hoạt của chi hội phụ nữ, số tiền này được chị em dùng để đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với mức lựa chọn đăng ký.
Tương tự, tại Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang… các mô hình “nuôi heo đất” tiết kiệm đều phát triển rất mạnh. Bà Nguyễn Thị Kim Thu, Phó Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến hiện nay đã có gần 4.000 chị em ở các chi hội dùng tiền tiết kiệm được hàng ngày để mua bảo hiểm y tế cho hộ gia đình. Tại Trà Vinh, Liên hiệp Hội phụ nữ tại địa phương cũng đã nhân rộng được 40 tổ tiết kiệm với gần 700 thành viên. Chỉ trong vòng 2 năm (2021-2022) các chi hội phụ nữ tại đây đã phát triển được hơn 4.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Trong khi đó tại An Giang, ông Đặng Hồng Tuấn, Giám đốc bảo hiểm xã hội tại địa phương thông tin, hiện nay mô hình “Ống heo tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình” đã trở thành phổ biến, thu hút trên 4.000 người tham gia. Trong năm 2022, Liên hiệp Hội Phụ nữ tỉnh này đã phát triển được gần 1.400 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và gần 1.700 người mua bảo hiểm y tế bằng tiền tiết kiệm.
Các mô hình hội nhóm phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hoạt động hiệu quả tại nhiều địa phương |
Tại các địa phương khác như: Đắk Lắk, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu…, các mô hình sáng tạo nhằm phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cũng được thúc đẩy khá mạnh. Chẳng hạn, tại Tây Ninh, từ năm 2018, Liên hiệp Hội Phụ nữ huyện Dương Minh Châu đã phát triển mô hình “Giúp nhau mua bảo hiểm y tế trả góp”. Đến nay, mô hình này đã lan tỏa ra toàn tỉnh với hàng trăm tổ tiết kiệm, góp vốn xoay vòng, giúp hàng nghìn hộ gia đình mua và duy trì bảo hiểm y tế phục vụ khám chữa bệnh và thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội. Hay tại Đắk Lắk, mô hình “mua ve chai tiết kiệm” cũng đã lan tỏa ở nhiều huyện như Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ. Chỉ trong 2 năm 2021-2022, thông qua số tiền tiết kiệm được từ “kế hoạch nhỏ”, các địa phương này đã phát triển được trên 5.000 người tham gia mua bảo hiểm y tế để bảo vệ bản thân, gia đình những lúc ốm đau, bệnh tật.
Tỷ lệ bao phủ tăng nhanh
Theo thống kê của bảo hiểm xã hội Việt Nam, với những nỗ lực từ các địa phương và sự phát triển nhanh của những mô hình sáng tạo, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế , đến nay tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng trưởng khá tích cực.
Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2023, cả nước đã có khoảng 17,48 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, ngành bảo hiểm xã hội đã thu hút được khoảng 90,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (tăng 4,35 triệu người so với cùng kỳ năm 2022), nâng tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm y tế lên mức 92% dân số, vượt chỉ tiêu mà Chính phủ giao trong năm 2023.
Theo đại diện ngành bảo hiểm xã hội tại các địa phương, các mô hình, giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hiện nay đang có sức lan tỏa mạnh và được người dân hưởng ứng rất tích cực. Cùng với việc gia tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế , tỷ lệ người dân thực hiện khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cũng đã tăng nhanh. Trong các tháng đầu năm tỷ lệ này ở nhiều địa phương đã tăng 60-70%.
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam, để tiếp tục duy trì phát triển và tiến đến phổ cập tối đa tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế , trong thời gian tới ngành bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục tập trung mạnh vào khuyến khích phát triển các mô hình sáng tạo để thu hút người dân tham gia. Trong đó, tăng cường các hội nghị, hội thảo phổ biến về bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế ; duy trì và tăng cường các mô hình truyền thông nhóm nhỏ đến từng ấp, từng xã.
Riêng về hoạt động số hóa, tích hợp dữ liệu, ông Hòa cho biết, hiện nay bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kết nối và xác thực hơn 90 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trên địa bàn cả nước đã có gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân gắn chíp để phục vụ khám chữa bệnh.
Đặc biệt, từ tháng 6/2023 vừa qua, người dân sử dụng ứng dụng VssID cũng đã có thể sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng di động để thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế giấy khi khám chữa bệnh. Vì thế, việc khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế hiện nay đang diễn ra khá thuận tiện, minh bạch và tiết kiệm đáng kể thời gian cho người dân. Thời gian tới bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm công nghệ xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chíp trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế . Việc thí điểm này kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi khám chữa bệnh, đồng thời giúp quản lý tốt quỹ bảo hiểm y tế , bảo hiểm xã hội Việt Nam.