Nhiều ngân hàng được nâng hạng tín nhiệm
Nâng hạng tín nhiệm |
Theo Fitch, môi trường kinh doanh đã được cải thiện. Tổ chức này cũng nâng điểm môi trường hoạt động (OE) hệ thống ngân hàng với kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn. Các điều kiện tín dụng đã dần được nới lỏng kể từ đầu năm 2023 nhờ hành động chính sách tiền tệ quyết đoán, phù hợp, đồng thời Fitch cũng kỳ vọng hiệu quả tài chính của ngành Ngân hàng sẽ phục hồi vào năm 2024, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng tăng lên và biên lãi ròng của các NHTM được cải thiện.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) cũng sẽ được cải thiện khi nền kinh tế đang phục hồi, Fitch dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,3% vào năm 2024. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu đánh giá về chất lượng tài sản ổn định, khả năng sinh lời được cải thiện… cũng góp phần nâng cao điểm tín nhiệm đối với nhóm ngân hàng này.
Fitch đã nâng bậc tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn của Vietcombank lên mức BB+ |
Đại diện MB cho rằng, việc Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm MB là minh chứng cho hoạt động kinh doanh an toàn, bền vững của MB sau gần 30 năm có mặt trên thị trường tài chính - ngân hàng tại Việt Nam, đặc biệt là trong những năm gần đây, khi MB tập trung vào câu chuyện chuyển đổi số.
TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá, trong một giai đoạn đầy biến động, nền kinh tế toàn cầu, cũng như Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn thách thức, việc một số ngân hàng được tổ chức quốc tế Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm là tín hiệu rất tích cực. Mặc dù việc các ngân hàng được Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm là từ quyết định nâng hạng tín nhiệm quốc gia, song phải khẳng định, thời gian qua, hệ thống ngân hàng rất nỗ lực trong cải thiện sức khỏe tài chính, thanh khoản, quản trị, tăng cường áp dụng chuẩn mực thông lệ quốc tế… Cũng nhờ vậy, thời gian vừa qua dù trải qua giai đoạn sóng gió, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn vững vàng. Do đó kết quả đánh giá của Fitch Ratings là khách quan, phản ánh đúng thực trạng hệ thống ngân hàng.
Chung quan điểm, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế thường có chuẩn đánh giá khắt khe hơn, vì họ dựa nhiều vào chuẩn mực quốc tế, nhất là về chất lượng tài sản, quản trị rủi ro… Ngoài ra, họ còn “soi” kỹ nhiều khía cạnh khác như chiến lược kinh doanh, phân tích chuỗi báo cáo tài chính nhiều năm liên tục… để từ đó ra được kết luận về sức khỏe của ngân hàng. “Tại nước có thị trường tài chính phát triển, các nhà đầu tư, người gửi tiền, mua trái phiếu do ngân hàng phát hành thường nhìn vào đánh giá này. Đó là cơ sở quan trọng để củng cố lòng tin của họ vào ngân hàng vì thực tế họ ít có cơ hội tìm hiểu sâu nguồn vốn, cấu trúc tài sản của ngân hàng”, vị chuyên gia này thông tin thêm.
Theo TS. Võ Trí Thành, việc nâng hạng tín nhiệm có ý nghĩa quan trọng giúp cho các ngân hàng tiệm cận với các nguồn vốn vay quốc tế dễ hơn, tiết kiệm chi phí vì huy động được nguồn vốn với mức lãi suất tốt hơn. Bởi lãi suất phản ánh rủi ro khoản vay, khi ngân hàng nâng hạng tín nhiệm đồng nghĩa rủi ro sẽ giảm bớt đi.
Trước đó, trong một báo cáo về triển vọng ngành Ngân hàng 2024 tại các thị trường mới nổi của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) được công bố vào 28/11/2023, Fitch Ratings cho rằng, có sự khác biệt về triển vọng đặc biệt rõ rệt giữa lĩnh vực ngân hàng tại các thị trường mới nổi APAC và các thị trường phát triển. Các quốc gia mà tổ chức này kỳ vọng sẽ có kết quả hoạt động cải thiện là: Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam. Ngược lại, kỳ vọng hiệu quả hoạt động sẽ kém đi ở các thị trường phát triển (DM).
Fitch Ratings nhận định: Triển vọng ngành Ngân hàng ở các thị trường mới nổi APAC nhìn chung được hỗ trợ bởi dự báo tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Tăng trưởng sẽ thúc đẩy nhu cầu vay vốn và hạn chế những tác động tiêu cực tiềm ẩn đến chất lượng tài sản từ lãi suất, mà chúng tôi tin rằng phần lớn đã đạt đỉnh trên toàn khu vực. Các thị trường mà triển vọng ngành (tương đối ngắn hạn) của chúng tôi đang được cải thiện phù hợp tốt với quan điểm của chúng tôi về điểm số môi trường hoạt động ngân hàng (dài hạn), vốn tích cực ở Indonesia và Việt Nam, trong khi điểm số ở Ấn Độ được nâng lên vào năm 2023.
Mặc dù đánh giá của Fitch Ratings về triển vọng ngành Ngân hàng Việt Nam tích cực hơn, song TS. Thành cho rằng, với mức xếp hạng tín nhiệm như hiện tại cần phải cải thiện hơn nữa sức khỏe tài chính, vị thế, thương hiệu… để củng cố lòng tin của nhà đầu tư, mở rộng cơ hội kinh doanh, đầu tư tốt hơn. Tất nhiên việc nâng bậc thứ hạng của các ngân hàng còn phụ thuộc vào mức xếp hạng của quốc gia nữa.